Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đại bộ phận người dân trong nước đã có cuộc sống khá hơn mà cụ thể là bữa ăn hàng ngày đa dạng hơn, quần áo cũng đẹp hơn, tiện nghi vật chất càng đầy đủ hơn... Hòa theo trào lưu ấy, nghề người mẫu cũng theo đó mà phát triển. Nhưng lắm khi từ sàn tập đến sàn diễn là cả một quãng đường dài.
Con cái được lên sàn catwalk là ước mơ cháy bỏng của nhiều bậc phụ huynh.
Kỳ 2: Mặt trái của nghề người mẫu: Đường lên sàn diễn…?
Các người “mẫu nhí”: chưa học ăn, học nói đã học... diễn
9h, chúng tôi có mặt tại sàn catwalk của một trung tâm đào tạo người mẫu ở quận 1, TP HCM. Gọi là catwalk cho đúng... bài bản chứ thật ra đó chỉ là một căn phòng rộng cỡ 20m2, ba mặt lát gỗ còn mặt kia là một tấm kính lớn, trong suốt. Giữa phòng, có thiết kế một lối đi lót mica màu, bề ngang chừng 2 mét, chạy dài từ đầu đến cuối phòng. Đó chính là nơi dành cho các "người mẫu" tập bước; còn ngoài hành lang, sát bên tường, là hàng ghế nhựa, nơi thầy cô cùng học trò và thân nhân học trò ngồi quan sát.
Điều ấn tượng nhất của lớp người mẫu này, gồm chừng 30 em, tất cả đều là con gái và không ai quá... 12 tuổi. Chị B, mẹ của bé H, 6 tuổi, tay xách một chiếc túi khá lớn mà khẽ liếc qua, tôi thấy lỉnh kỉnh nào là khăn lông, sữa hộp, bánh snack, nước khoáng, chị cho tôi biết: "Em đưa cháu đến đây tập được 3 tháng rồi". Hỏi cháu có đi học không, và sao lại muốn cho cháu theo nghề này, chị cười: "Cháu đang học lớp lá, học buổi chiều, với lại em thấy nó có... vóc dáng nên cho nó theo từ bây giờ. Sau này lớn lên là nó có thể đi biểu diễn được".
Rồi chị chăm chú nhìn đứa con gái lúc ấy đang bị thầy T. gọi ra sàn tập. Mặc dù mới 6 tuổi, nhưng H. được mẹ cho mặc một chiếc quần thun màu đỏ bó sát, chân mang giày bốt trắng, cao đến ngang đùi. Bài tập khá đơn giản: Chân phải bước chéo lên, hướng về bên trái rồi chân trái lại bước chéo lên, hướng về bên phải nhưng H. vẫn cứ loạng choạng.
Đi chưa hết một vòng, H. bị thầy T. kêu đứng lại rồi với tư thế hai tay chống ngang hông, H. tập đi tại chỗ, vẫn là chân phải bước chéo, chân trái bước chéo. Một lát, có lẽ vừa mệt, lại vừa bị ức chế tâm lý nên mồ hôi H. đổ ròng ròng. Thấy vậy, chị T. vội chạy lại, lấy khăn lau mặt cho con, miệng thầm thì động viên cô bé.
Có thể nói, tất cả các bậc cha mẹ khi đưa con mình đến học lớp người mẫu ấy, đều mong muốn nó sẽ trở thành... nổi tiếng, hái ra tiền, được thiên hạ trọng vọng! Hơn nữa, các công ty người mẫu cũng không ngớt tung ra những lời chào mời hấp dẫn, chẳng hạn như sẽ có các chương trình thời trang dành riêng cho lứa tuổi các cháu, hoặc các show diễn chung với những người mẫu tên tuổi nên nhiều bậc phụ huynh đã tưởng tượng ra một ngày nào đó, đứa con bé tí hôm nay sẽ hiện diện trên sàn catwalk dưới ánh đèn sáng rực của máy quay phim, của những ánh chớp flash lấp lóe từ máy chụp ảnh rồi sau đó, là hình bìa trên báo, là những thước phim trong các tiết mục trình diễn thời trang trên tivi.
|
Những người mẫu "chân dài" trên sàn catwalk. |
Chị P, mẹ của cháu N. cười hỉ hả với mấy bà bạn chung quanh: "Thầy khen con nhỏ nhà tui có năng khiếu. Dạy một hiểu mười. Mấy chị biết không, nhiều tối nó về, nó tự tập một mình, thấy thương lắm". Một bà ngồi ở hàng ghế cuối nghe xong câu nói, quay qua xì một tiếng với bà bên cạnh: "Chân đi vòng kiềng mà năng khiếu cái nỗi gì".
Theo ngón tay chỉ của mẹ cô bé, chúng tôi quay ra nhìn N. Trên sàn catwalk, N. đang vất vả tập đi tập lại động tác xoay người. 9 tuổi, nhưng con bé nhìn khá gầy gò - nhất là trong bộ áo liền quần màu kem bó sát. Thỉnh thoảng, nó lại đưa mắt liếc lên... trần nhà, nơi có chiếc quạt máy đang quay tít nhưng vẫn không đủ để xua tan cái nóng.
Nhất là khi thầy T. bắt đầu dạy cho nó cách tạo dáng bằng cách mỗi khi bước, thầy lại phán: "Lắc mông qua phía này, phía này". Khổ thân con bé, mới 9 tuổi đầu, người như con mắm, lấy... mông đâu ra mà lắc! Để hỗ trợ con, chị P. đứng lên, bước đến cạnh nó: "Lắc thế này nè". Nhìn thấy chị ẹo qua ẹo lại, mẹ không ra mẹ, mẫu chẳng ra mẫu, cả phòng không ai nén nổi tiếng cười.
Nghỉ 15 phút giải lao, tiếng thầy T. vừa vang lên thì liền lập tức, các người "mẫu nhí" ào ào chạy bổ ra với cha mẹ. Đứa ăn bánh snack, đứa uống sữa, nước suối, nước cam. Mặc dù đấy chỉ là sàn tập nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều trang bị cho con mình chẳng khác gì một buổi biểu diễn.
Cháu M, 11 tuổi, chân đi giày cao gót màu đen và khi vừa ngồi xuống cạnh mẹ, cháu đã tuột đôi giày ra khỏi đôi chân đỏ ửng vì bị bó chặt. 12 tuổi, nhưng lông mày H được mẹ kẻ cho hai lằn chì đen thui, má đánh phấn trắng hồng, môi tô son đỏ choét. Tôi hỏi cháu: "Học có thích không?". Chẳng trả lời, cháu đưa mắt sang mẹ. Nhìn cháu, tôi đoán có lẽ với cháu, được đùa nghịch với bạn bè trong sân trường hẳn là hạnh phúc hơn nhiều so với những bài tập xoay người, chân bước chéo.
Với học phí 150 nghìn đồng mỗi tháng, một khóa học sơ cấp kéo dài 3 tháng, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 4 tiếng; còn nếu muốn học nâng cao thì thêm 3 tháng nữa nhưng học phí tăng lên 300 nghìn đồng, lớp người mẫu của thầy T. lúc nào cũng đông học trò nhưng xem ra thì chưa thấm vào đâu với một trường đào tạo người mẫu trụ sở chính đặt ở nước ngoài, có chi nhánh tại Việt Nam, khởi sự hoạt động từ đầu năm 2006.
Tại trung tâm này, một khóa sơ cấp 3 tháng, có giá là 2 nghìn USD. Tiền nào của nấy, phòng ốc nơi đây khang trang, rộng rãi, có máy lạnh, đường tập đẹp, ánh sáng thiết kế cầu kỳ như trên sân khấu và các bài tập thì được cam đoan là "đúng tiêu chuẩn quốc tế".
Tuy nhiên, qua quan sát, chúng tôi thấy nó cũng chẳng khác các lớp học bình dân là bao nhiêu bởi lẽ quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ gồm các động tác bước chéo, chống nạnh, xoay người, tạo dáng. Nếu có thêm, thì thêm một số bài tập về kỹ năng như phát biểu trước đám đông, trả lời phỏng vấn hoặc cách ứng xử trước ống kính truyền hình.
D, 18 tuổi, học tại trung tâm này đã gần 2 tháng cho biết: "Em thấy mình... tự tin hơn. Nghe mấy thầy cô nói là những học viên xuất sắc sẽ được cử đi dự thi IMTA (Hiệp hội Người mẫu và tài năng quốc tế) ở Mỹ". Giấc mơ đứng trước hàng trăm công ty thời trang tầm cỡ thế giới, cùng các hãng quảng cáo và những đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh năm châu đã khiến D. quên hẳn số tiền 8 nghìn USD phải đóng cho trường nếu muốn tham dự kỳ thi này.
Chỉ tay sang cô bạn tên B. đứng bên cạnh, D. khoe: "Bạn ấy cũng mới đi thi về đó". Tôi hỏi, và được B. cho biết, là trường đã thông báo với cô rằng có 4 hãng thời trang quốc tế của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh, đặt lời mời B. về hợp tác nhưng mời như thế nào, công việc ra sao, bao giờ lên đường thì B. mù tịt.
Chóe mỏ, chu môi, chân “xoắn quẩy”...?
Ngược về quá khứ, nghề người mẫu thật sự bùng phát là vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, và Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM là nơi đầu tiên thành lập "Câu lạc bộ thời trang Hoa học đường", quy tụ một số học sinh, sinh viên yêu thích loại hình mới mẻ này. Chính từ cái nôi ấy, nhiều người mẫu đã trưởng thành rồi sau đó, các lớp dạy người mẫu bung ra như pháo hoa, từ quận đến tỉnh, thành phố.
Vũ Cao (CAND)
|