Nhóm ngành báo chí – truyền thông trở nên hấp dẫn với nhiều bạn trẻ nhưng để theo ngành học này thì không hề đơn giản. Ngoài sức học, nghề báo rất khắc nghiệt, đòi hỏi sức chịu đựng cao vì phải chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, nghề báo cũng đòi hỏi các bạn phải có kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp tốt và ngoại ngữ cũng là một yêu cầu khá quan trọng. Riêng ngành Luật, nhiều bạn nghĩ học luật ra chỉ làm luật sư là không đúng. Nhu cầu ngành Luật hiện nay là rất lớn…
Nhóm nghề Báo chí - Truyền thông:
Truyền thông quốc tế: Đây là ngành đào tạo mới của Học viện Ngoại giao năm 2010. Chương trình học được thiết kế theo mô hình ngành chính - phụ, trong đó ngành chính là truyền thông quốc tế và ngành phụ là quan hệ quốc tế. Ngành quan hệ quốc tế đào tạo sinh viên ra trường làm công tác đối ngoại. Sinh viên được học các kiến thức về công pháp quốc tế, luật pháp quốc tế, kinh tế quốc tế… Các bạn được trang bị các kỹ năng trong công tác đàm phán, bên cạnh đó sinh viên được học tiếng Anh chuyên ngành quan hệ quốc tế (khác với tiếng Anh của ngành ngữ văn Anh).
Ngành quan hệ công chúng & truyền thông: Được trang bị những kiến thức về truyền thông (học về lý luận và lịch sử, báo chí, văn hóa xã hội…), kỹ năng giao tiếp tốt, biết cách thu thập thông tin, cách viết tin, viết bài và các thông cáo báo chí để quảng bá trong công chúng. Bên cạnh đó là các kiến thức về kinh tế học như marketing, quản trị, luật... Vì thế, SV học ngành Báo chí có điều kiện thuận lợi khi làm nghề này. Hiện trường ĐH dân lập Văn Lang, Học viện Báo chí Tuyên truyền: có chương trình đào tạo chính quy ngành.
Ngành quan hệ công chúng & truyền thông.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp các ngành học này có thể làm việc ở Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Vụ Báo chí, Trung tâm Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông, cán bộ văn hóa, báo chí tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, có thể làm cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách hoặc tác nghiệp thực tế tại các bộ phận phụ trách thông tin đối ngoại; cán bộ giảng dạy về truyền thông quốc tế, Quan hệ công chúng & Truyền thông, văn hóa đối ngoại; làm việc tại các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình...
Ngành quan hệ công chúng lấy khối C 22 điểm và khối D1: 19 điểm (năm 2009, Học viện Báo chí Tuyên truyền).
Ngành báo chí: Đào tạo cử nhân báo chí nắm vững quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; có kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; có khả năng phân tích, bình luận thời sự trong nước và quốc tế, có trình độ lý thuyết và khả năng thực hành nghiệp vụ báo chí, viết các thể loại báo chí: tin, phỏng vấn, phóng sự, điều tra, nghị luận báo chí…; biết chụp ảnh, ghi âm, sử dụng camera và các loại phương tiện khác.
Sau khi tốt nghiệp. cử nhân báo chí có khả năng làm phóng viên, bình luận viên, biên tập viên ở các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, thông tấn xã hoặc có thể làm công tác nghiên cứu báo chí, làm công tác truyền thông (PR) ở các cơ quan kinh tế, thương mại, văn hóa, ngoại giao...Ngoài ra có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng.
Ngành báo chí trở nên hấp dẫn với nhiều bạn trẻ nhưng để thi vào ngành học này thì không hề đơn giản. Ba năm nay, ngành học này ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có tỷ lệ chọi cao nhất, điểm chuẩn luôn rất cao (năm vừa rồi điểm chuẩn ngành báo chí là 20). Những thí sinh chọn ngành báo chí thường là học sinh khá trở lên và nhiều HS rất giỏi (thi 2 khối C và D). Ngoài sức học, nghề báo rất khắc nghiệt, đòi hỏi sức chịu đựng cao vì phải chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, nghề báo cũng đòi hỏi các bạn phải có kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp tốt và ngoại ngữ cũng là một yêu cầu khá quan trọng.
Trường ĐH Luật TPHCM là trường đơn ngành. Khi trúng tuyển vào trường nghĩa là trúng tuyển vào ngành luật. Luật thương mại, dân sự hay luật hình sự... là các chuyên ngành của ngành luật..
Học luật ra trường không phải chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà có thể làm việc ở rất nhiều ngành nghề và đơn vị khác nhau. Nhiều bạn nghĩ học luật ra chỉ làm luật sư là không đúng. Không phải học luật ra là làm tòa án, viện kiểm sát mà có thể công tác trong các ngành khác. Hiện nay rất nhiều cựu sinh viên luật đang công tác ở các vị trí quan trọng trong ngành công an. Nếu không thích làm việc trong các cơ quan nhà nước sinh viên luật cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm tư vấn luật, làm nhà báo... Nhu cầu về ngành luật hiện nay là rất lớn. Khi trúng tuyển vào ĐH luật thí sinh có thể lựa chọn những ngành học phù hợp như: luật thương mại, luật dân sự, luật quốc tế, luật hình sự, luật hành chính. Tuyển sinh tất cả các khối: A, C, D1, D3. Điểm chuẩn (2009): Khối A là 17 điểm, C là 18, D1 và D3 là 15,5 điểm, riêng luật Thương mại điểm chuẩn có cao hơn đối với mỗi khối từ 2 đến 3 điểm.
Ngành quản trị - luật nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Sinh viên ngành này có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. Đây là ngành học mới được đào tạo duy nhất tại ĐH Luật TP.HCM. Sinh viên ngành này ra trường có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn kinh doanh... Ngành Quản trị - Luật không tuyển khối C. Khối A: 17, khối D: 15,5 điểm (2009).
Sinh viên trúng tuyển vào trường ĐH Luật TPHCM thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí theo qui định. Ngoài ra nếu gia đình sinh viên thuộc diện hộ nghèo được giảm 50% học phí và hộ đói được miễn học phí 100%. Sinh viên thuộc diện khó khăn vượt khó học tập được hưởng học bổng chính sách theo qui định của Nhà nước. Ngoài ra sinh viên thuộc diện này nếu có kết quả học tập loại giỏi sẽ được xét hưởng học bổng do các tổ chức, cá nhân ngoài trường tài trợ.
Chuyên ngành Luật kinh doanh của ĐH Kinh tế TP. HCM đào tạo Cử nhân luật có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý; có kỹ năng chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, đồng thời có kiến thức cơ bản về kinh tế, quản trị kinh doanh, đủ khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Sinh viên được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các Toà kinh tế thuộc hệ thống Toà án nhân dân, các Trung tâm trọng tài thương mại, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý.
Khối thi: A, D1. Điểm chuẩn năm 2009: 16 điểm cho cả 2 khối A và D1.
Ngành công tác xã hội: nhiều năng động, giàu nhân ái. Chương trình đào tạo của ngành này cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên môn và các kỹ năng thực hành công tác xã hội, giúp sinh viên sau khi ra trường có đủ khả năng cung ứng các dịch vụ xã hội, làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như sức khỏe, pháp luật, kinh tế, truyền thông… đồng thời có thể tham gia xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn.
Sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc tại các cơ sở, các chương trình xã hội dưới sự quản lý của Bộ lao động - Thương binh - Xã hội, Ủy bàn bảo vệ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, tòa án, trường học, bệnh viện v.v… Ngoài ra, có thể tham gia thực hiện các chương trình nghiên cứu xã hội, cải tiến dân sinh, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, các dự án của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm tư vấn, trung tâm giáo dưỡng, các tổ chức đoàn thể... Học ngành xã hội học ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, ngành này cũng đòi hỏi sự dấn thân, kỹ năng và vốn sống...
Khối thi: A, C, D1. Điểm chuẩn năm 2009: bậc ĐH là 13 – 15 điểm (ĐH KHXH & NV Tp HCM); bậc CĐ là 11 điểm cho khối C và D1 (trường ĐH Mở Tp HCM).
Không cấm các trường ngoài công lập mở ngành Luật, Sư phạm, Báo chí.
“Không có quy định nào hạn chế việc mở ngành đào tạo báo chí, luật và sư phạm đối với các trường ngoài công lập”. Giải thích về việc này, Bộ GD-ĐT cho biết đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc do lỗi “mang tính kỹ thuật chứ không phải chủ trương của bộ”. Vì vậy, các trường ĐH ngoài công lập mở các ngành đào tạo sư phạm, luật và báo chí sẽ vẫn phù hợp với Luật giáo dục và các quy định hiện hành về quản lý giáo dục giữa các trường công và trường tư. Mặt khác, trừ ngành sư phạm, trên thực tế nhiều trường ngoài công lập cũng đã và đang đào tạo các ngành Báo chí – Truyền thông – Luật.
Chí Thông tổng hợp/(theo Hiếu học)
|