Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) là cái tên được nhiều độc giả biết đến qua những bài phóng sự đầy hiểm hóc, mạnh mẽ. Từ những câu chuyện ở bản làng xa xôi nơi rừng sâu núi thẳm, tới các vấn đề thời sự nóng bỏng. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam - Tuần Việt Nam xin gửi tới độc giả những suy tư, trăn trở của anh về Nghề báo.
Nghề múa võ giữa chợ
Người ta thường nói: nghề viết bạc bẽo, nghề báo nguy hiểm và nhiều cám dỗ; nhưng cái bạc bẽo, cám dỗ và nguy hiểm đó, không chỉ nằm ở hòn tên mũi đạn hay các cuộc đe doạ, tấn công, trả thù của kẻ xấu. Nó nằm chính trong cái tham sân si và sự thiếu kiên trinh với nghề của không ít người. Nó nằm trong cái tình yêu lý tưởng nghề báo không ít khi nửa vời của người vào cuộc chơi và... bỏ cuộc chơi. Nó nằm trong sự thiếu thận trọng, sự thiếu chuyên nghiệp và bài bản của chính những con người đang mải mê trên các cung đường, các vụ việc và sự kiện kia.
Tôi ví dụ, nguy hiểm của nghề báo là gì? Phóng xe "đánh bóng" mặt đường quanh năm, cơm hàng cháo chợ suốt tháng, khám phá điều tra tiếp cận những lĩnh vực mới hằng ngày, rõ ràng là nguy hiểm từ tai nạn giao thông cho đến sai sót tư liệu và thậm chí... dễ bị bệnh đường ruột qua "cơm hàng cháo chợ" thì không có gì khó hiểu cả. Tôi thường nói với bè bạn: cậu lái xe đường dài kia chỉ có một nguy hiểm khi tham gia giao thông thôi. Anh nhà báo, "hòn tên mũi đạn", sự căng thẳng đến từ mọi phía. Đặc biệt là với dân làm điều tra, phóng sự, cuộc đời là dấu cộng của những chuyến lang thang.
Nhưng vẫn công phu tìm kiếm đó, vẫn đổ mồ hôi và đánh cược cả tính mạng đi điều tra như thế, vẫn tìm thấy các đặc sản bài viết như thế, mà anh không sớm "thay đổi thực đơn", các vị khách khó tính (công chúng) của nhà báo sẽ quay mặt đi ngay lập tức.
|
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến đi viết trong rừng U Minh, Ảnh Blog Đỗ Doãn Hoàng |
Nhà báo Hữu Thọ bảo, nghề báo như múa võ giữa chợ, giữa hàng nghìn con mắt xăm soi, hở miếng là chết, múa hai phiên chợ cùng một thế võ cũng bị khán giả tẩy chay. Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp khả kính... biến mất khỏi sân chơi báo chí, chỉ bởi cái con người từng gây xôn xao báo giới khi xuất hiện đó, anh (chị) ta không có ý định hoặc không thể tự đổi mới mình được. Hoặc vì tuổi tác hay thói quen nào đó mà họ không thể đủ tươi mới, đủ trẻ trung để tiếp cận được với nhịp điệu mới của cuộc sống, của làng báo.
Họ biến mất trong khi họ vẫn tâm huyết, trí tuệ và hào hoa như thế. Độc giả không tha thiết với họ. Quan trọng hơn là chính họ thấy hết hào hứng với việc viết, việc đi. Trong mắt họ, đề tài nào cũng là cũ, câu chuyện nào cũng là nhỏ bé, thậm chí nhỏ bé và vô dụng hơn cả những câu chuyện mà họ đã từng điều tra và đưa lên mặt báo với bao nhiêu nhiệt huyết tuổi trẻ để rồi ... mọi thứ "đâu lại đóng đấy", không một tiếng vang (ví dụ thế).
Tôi nghĩ, trong nghề viết, đặc biệt là nghề làm phóng sự, bút ký, ghi chép (những thể loại dài hơi, cần nhiều cảm xúc và trải nghiệm sống một cách sinh động), sự biến mất cảm xúc và chữ nghĩa (cái duyên) của rất nhiều cây bút, đó là bằng chứng đáng suy nghĩ nhất về sự bạc bẽo, những rủi ro có tính quy luật của nghề báo. Nói khác đi, đó là sự rủi ro nghề từ bỏ... người (thay vì người bỏ nghề!).
Chiêm nghiệm này từng làm tôi xót xa, thương cảm, thương đồng nghiệp và thương chính bản thân mình, khi thấy chữ nghĩa rời xa, cái duyên ngòi bút rời xa những người ấy ở thể loại ấy.
Chọn "thoái trào êm dịu" hay tiếp tục đương đầu và... đổ máu?
Tôi nhớ, khi từ khi tôi 23 tuổi cho đến khi tôi 28 tuổi, những người trẻ làm phóng sự với tôi rất nhiều, họ họp lại thành các "băng đảng" lên rừng xuống biển, điều tra, tổ chức các loạt bài say sưa cứ như các "đại bút" thời 30 - 45 đang hào hoa trong cái say lòng của mộng chữ nghĩa.
Chúng tôi muốn dùng ngòi bút, làm một cái gì đó cho cộng đồng. Có những bài viết, lấy được nhiều nước mắt của độc giả tới mức, lãnh đạo báo phải lên tiếng, xin các nhà tài trợ thôi bỏ tiền tỷ ra cho nhân vật của phóng sự đó, đời sống của nhân vật khổ sở nọ đã tốt hơn cả trong mơ rồi, tiền ấy phải chia cho cả những người cùng khổ khác nữa.
Nhiều vụ điều tra tày đình khiến độc giả mê tơi. Nhưng rồi, trai lấy vợ, gái lấy chồng, cuộc giá áo túi cơm, những cái ghế êm ả và mát mẻ ở các toà soạn đã thu hút đồng nghiệp của tôi đi làm... sếp. Bây giờ, ngẫm lại, cái người ba lăm tuổi hằng ngày vẫn lái xe, vẫn cầm máy ảnh, thủ túi mấy cái máy ghi âm và chăm chắm tìm đề tài, chăm chắm "tứ hải giai huynh đệ"... để làm bút ký, phóng sự, ghi chép... chỉ còn lác đác như lá mùa thu.
Tất nhiên, biết "xuống ngựa" khi mình đã lên đến cái đỉnh nào đó (theo cách hiểu của mình) là cần thiết, biết chấp nhận "thoái trào" khi mình cảm thấy hết duyên là cần thiết (văn hoá từ chức). Hết tuổi làm cầu thủ, thì phải biết xoay sang làm huấn luyện viên hoặc kinh doanh các đội bóng, là hợp lẽ giời. Nhưng, không phải ai trong trường hợp này, cũng là vì các lý do trên.
Mà đơn giản, là tình yêu nghề viết, lý tưởng nghề viết của không ít người nó chỉ dừng lại ở mức độ: coi nghề báo như cái nghề kiếm cơm, cái nghề cũng như nghề bán hàng, buôn đất hoặc hướng dẫn viên du lịch. Học báo, viết báo, khi có duyên kiếm được nghề nào hoặc chức vị nào lắm bổng lộc hơn, nhàn thân hơn mà không phải ngày ngày lại đêm đêm đối diện với pháp trường trắng (trang giấy hoặc trang soạn thảo văn bản - word - của máy vi tính) để viết báo.
Có một sự thật là các nhà báo trẻ gặp rủi ro "bẻ cong ngòi bút" hoặc từ bỏ lý tưởng của nghề viết (sức mạnh ngòi bút vì cộng đồng) lại thường là những người tương đối khá trong nghề. Lý do: một sinh viên báo chí, nhà báo trẻ, anh (chị) ta có giỏi thì mới viết đến độ người ta nhớ được tên. Lúc ấy, ngòi bút anh ta mới có chút sức mạnh để làm vào việc tốt hoặc việc xấu, lúc ấy (ví dụ) các doanh nghiệp mới đem tiền rải đường dụ "nhà báo trẻ" vào làm "PR" (quan hệ công chúng, phụ trách truyền thông - thường là dùng và nghĩ "mánh" bảo vệ và lăng xê uy tín của doanh nghiệp), lúc ấy họ mới đủ "tài" để tìm mánh kiếm ăn không chân chính từ ngòi bút.
Và, khi đã "hoãn sự nghiệp viết lách" để kiếm tiền, để tìm cách mua nhà mua xe, thì hầu như người ta ít có điều kiện toàn vẹn để trở về một cách thật thà với con chữ. Duyên chữ nghĩa, như bát nước đầy đổ đi, như mối tình đã hơn một lần phụ bạc nhau ấy, đã "gác" lại thì khó mà "gọi nó ra" được nữa.
Cũng có người "tha hoá" nhẹ hơn, ấy là khi có cơ hội, họ từ bỏ cái thể loại báo chí cần công phu, cần sức chiến đấu, đối mặt với hiểm nguy để sang một thể loại nhàn thân hơn.
Thành thử, tôi vẫn thường thấy, những người bị rơi rụng sớm khi vào nghề, thường là người kha khá, có thể mọc mũi sủi tăm ngay từ đầu. Đây là một gờ rãnh khá đau buồn cho sự "lặn mất" của các cây bút trẻ.
Cuối cùng, rủi ro lớn nhất, cụ thể và đang gây sốc cho xã hội nhất đối với nghề báo, vẫn cần phải nhắc đến, đó là việc đe doạ, hành hung, mua chuộc, bằng nhiều cách khác nhau (!) làm nhụt nhuệ khí của các nhà báo đi tiên phong.
Khi điều tra về buôn lậu gà qua biên giới, PV báo Người Lao động bị đánh tàn khốc, rồi lăng mạ, tống lên xe ô tô, chở thẳng đến trụ sở công an... ném xuống đầy thách thức; một nhà báo ngồi uống trà với đồng nghiệp sau khi chụp về buôn lậu về, bị đối tượng dùng súng săn bắn vào... đùi; tìm hiểu về thông tin vụ cưỡng chế ở Hà Tĩnh, hai PV báo Tiền Phong bị đánh dã man phải nhập viện. Cận dịp của các vụ kia, PV các báo Nông thôn ngày nay, An ninh thế giới cũng khốn đốn và đổ máu vì nạn tấn công nhà báo...
Những điều đó không chỉ gây bức xúc trong giới làm báo, mà cả xã hội phải tá hoả, hoang mang. Các nhà báo lao vào điểm nóng, họ điều tra như công an, nhưng trong tay họ không có công cụ hỗ trợ, không được đào tạo võ thuật hay các chiêu thức để tự bảo vệ mình. Họ làm việc vì một xã hội tốt đẹp hơn, những thông tin mà họ "phanh phui" ra góp ích cho cuộc sống ra sao, chẳng cần nói thì ai cũng đã biết.
Nhưng xã hội đã làm gì để bảo vệ các nhà báo, để họ có niềm tin và dũng khí rồi tiếp tục "chiến đấu". Vụ Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xử lý một cách èo uột việc những kẻ coi thường và thách thức luật pháp (khi hành hung tập thể đối với nhà báo Trần Thế Dũng) đã khiến cho nhiều cơ quan trung ương cực lực công kích, yêu cầu phải điều tra lại.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, TAND tối cao, Hội Nhà báo Việt Nam cùng hàng trăm ấn phẩm báo chí đều lên tiếng, đã có công văn yêu cầm làm rõ vụ việc. Đặc biệt đáng xấu hổ, khi mà công an ở Lạng Sơn đã quyết định không khởi tố vụ án, trong khi việc hành hung tập thể một nhà báo đang tác nghiệp, việc lăng mạ, thách thức luật pháp của nhóm đầu gấu miền biên ải kia lồ lộ, rõ như ban ngày! Chi tiết đó, khiến những nhà báo chân chính thấy bị tổn thương, nó còn đau đớn hơn cả những vết thương trên thịt da nhà báo bị tấn công Trần Thế Dũng.
Quá nhiều bất cập trong việc bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, nhất là khi họ xông pha vào chốn "hang hùm miệng sói". Nếu không có chính sách, cơ chế bảo vệ nhà báo một cách hiệu quả, tôi nghĩ: cái mất mát lớn không chỉ là những giọt máu của vài nhà báo đã đổ xuống hoặc sẽ đổ xuống. Cái quan trọng hơn là chúng ta sẽ đánh mất cả thế hệ và những thế hệ nhà báo dám xông pha vào các điểm nóng/ mũi tiên phong để dùng "quyền lực thứ tư" kia cống hiến những hoa trái bình yên và phồn thịnh cho xã hội. Điều gì sẽ đến, khi mà, vì cảm thấy quá nguy hiểm, cảm thấy quá cô độc trước sự hành hoành của cái ác, các nhà báo đều thu mình lại như con ốc, khoanh tay thúc thủ trong salon và máy lạnh?
Nhà báo chỉ có ngòi bút, ngòi bút đó sẽ không có chút sức mạnh nào với kẻ côn đồ, thất học đang tấn công nhà báo kia; trong khi nhà báo nhiều khi phải điều tra như công an, có khi còn đi tiên phong hơn cả công an. Bằng chứng là rất rất nhiều vụ việc, báo chí tố cáo, quay phim chụp ảnh xong thì công an mới có mặt. Trong khi lực lượng công an được cấp và được sử dụng công cụ hỗ trợ (ví dụ như súng và nhiều vũ khí nóng khác), có lực lượng và ban bệ phối hợp để trấn áp đối tượng khi cần thiết. Có lẽ, đó cũng là lý do mà cùng điều tra, cùng đưa ra ánh sáng các vụ việc nóng, nhưng các đồng chí công an hầu như rất ít khi bị nhắn tin, gọi điện đe doạ hoặc dằn mặt, tấn công bằng các thủ đoạn mà nhiều nhà báo đã gặp phải.
Điều nữa: tôi thật sự lo lắng, khi mà nhà báo luôn gắn tên mình với các bài điều tra chống tiêu cực, trong khi đó, với những người có chút "tên tuổi", chỉ gõ tên họ trên mạng tìm kiếm (Google chẳng hạn), một cái nhấp chuột, lập tức nhiều vạn kết quả về hành trình tác nghiệp, về gia đình bố mẹ, vợ (chồng) con, nơi sinh sống, tình trạng... sức khoẻ của nhà báo hiện ra.
Các hình thức đe doạ không dễ gì báo công an hay cào đời ra là tôi đang bị đe doạ được. Ai sẽ bảo vệ nhà báo trong trường hợp như thế? Hay phải để đến khi máu đã đổ (tôi lạnh gáy khi một tờ báo sưu tầm đăng một lúc gần 10 gương mặt nhà báo xưng tấy tím lịm, vấy máu đỏ, đầy băng bó toàn thân... gần đây) thì người ta mới điều tra, mới quyết định khởi tố rồi không khởi tố loằng ngoằng như vụ với phóng viên Trần Thế Dũng hiện nay?!
|
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Ảnh Blog Đỗ Doãn Hoàng |
Khi nhà báo phải tự chế vũ khí bảo vệ mình
Tôi từng nói: tôi đã thoát hiểm nhiều lần với những "vũ khí" do tôi tự chế ra bảo vệ mình, nhưng tôi không dám chắc nó đảm bảo tôi đã tuyệt đối an toàn. Bởi vì, cái cơ chế đó là tôi tự nghĩ ra, chưa chắc nó sẽ tiếp tục đúng mãi. Bởi vì, chúng ta chưa có một cái cơ chế để nhà báo an tâm dấn thân vì cộng đồng.
Khi nói ra điều đó, thú thật là tôi thấy tủi thân cho những người làm báo khi họ dám nghĩ: sự xả thân, xông pha là một vinh quang, là cơ sở để mình có thể dùng ngòi bút đóng góp cái gì đó tốt đẹp cho cuộc sống. Có những lúc tôi "được" các đối tượng bị tôi đụng chạm gọi điện đe doạ. Tôi mở đầu cuộc đối thoại sòng phẳng như... đầu gấu (kể lại sự việc, tôi sợ ai đó sẽ nghĩ tôi anh hùng rơm, song, tôi chỉ muốn nói về một cách để an toàn mà vẫn... làm báo):
"Nếu anh có ý đe doạ tôi, thì tôi nói luôn là không doạ nổi, nếu anh mua chuộc, tôi cũng nói là tôi không quy ra vật chất được. Nhưng anh hỏi tôi, rằng: tôi có sợ khi bị anh đe doạ không, tôi sẽ nói là tôi có sợ. Sức tôi trói gà không chặt, anh biết rõ tung tích của tôi như thế, anh thiếu gì "trò". Song, tôi nói với anh rằng, tôi có cách để bảo vệ tôi và tố cáo anh, ngay khi tôi đang nói chuyện với anh qua điện thoại như thế này. Bởi, nếu sợ thì tôi đã không đưa tên anh lên báo. Cái quan trọng hơn, là tôi không hề biết đến các anh, trước khi tôi tiến hành điều tra vụ việc; điều tra xong, tôi cũng không bao giờ tôi có ý định gặp lại anh. Chỉ đơn giản, tôi thấy đó là vụ việc sai, và tôi đã lên tiếng thẳng thắn".
Có lần tôi phải mở một cái cửa giả vờ để xuống nước với người đe doạ:
"Tôi chấp nhận gặp anh, chúng ta cần gặp nhau để hiểu nhau hơn. Không mua chuộc, không hối lộ, không đe doạ. Và nếu có những điều đó tôi cũng không e ngại gì".
Tôi đã thử nhiều lần, những đối tượng gian manh nhất, cáo già nhất, lại không bao giờ ngu ngốc và manh động cả. Đứng ở "gốc súng" bao giờ cũng an toàn là vì thế.
Có lần trả lời một tờ báo mạng trong một diễn đàn khá quy mô, khi mà giới báo chí và xã hội đang nóng rẫy vì tình trạng quá nhiều nhà báo bị hành hung trong một thời gian ngắn, tôi đã tiết lộ một cái "võ" rất dễ khiến người làm báo thấy tổn thương, nhưng tôi nghĩ ra và áp dụng thấy cũng an toàn (biết làm sao, phải tự chế vũ khí bảo vệ mình thôi!) Chẳng hạn, tôi thường đánh lạc hướng đối tượng. Ví dụ, tôi là đàn ông, sau khi tôi điều tra, cảm thấy hắn đang theo dõi mình kể từ khi giáp mặt, tôi sẽ cho một nữ đồng nghiệp gọi điện trao đổi vụ việc tiêu cực với đối tượng, để chúng biết rằng, không phải chỉ có một mình tôi "dúng tay" vào. Khi báo xuất bản, người đứng tên bài điều tra là một "nữ ký giả" (có chữ Thị nọ Thị kia) ở cuối, thế là xong.
Có nhiều vụ, đối tượng ầm ĩ, căm giận, doạ sẽ dùng... mỹ nhân kế hoặc đao kiếm kế với tôi, bỗng dưng tôi đưa nhóm phóng viên Truyền hình Việt Nam lên làm thêm một cái phóng sự phát hẳn trong Bản tin 19h. Cơ quan chức năng ập đến thanh kiểm tra rầm rĩ, lúc ấy, dường như họ quên béng mất kẻ châm ngòi vụ nổ là tôi (phép chia lửa).
Cũng trong cuộc trò chuyện về nhà báo tự bảo vệ mình kể trên, chúng tôi còn bàn đến một vấn đề "lật lại" nữa trong các rủi ro nghề báo, rằng: tại sao các nhà báo bị tấn công dễ dàng thế? Có phải họ đã quá bất cẩn không? Tôi thật xót xa, thương cảm, cảm thông với đồng nghiệp đã bị tấn công.
Nhưng, thử hỏi: tại sao các vụ nhà báo bị đánh lại không dính dáng tới các vụ lớn, như chống lâm tặc trong rừng già, chống các đối tượng nguy hiểm xuyên quốc gia trong các đường dây buôn ma tuý, buôn hổ sống và hổ đông lạnh, các vụ việc mà sai phạm tày trời, khi bị tố giác, các đối tượng thiệt hại hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng?
Xem lại hồ sơ, hầu hết các vụ đều liên quan đến cấp xã, cấp thôn, những việc như tình cờ chụp bọn buôn lậu, chụp cảnh sai trái, khi chúng đe doạ rồi nhà báo vẫn ngồi quán nước gần chúng nó, hoặc cảnh mấy ông xã và người dân chỗ xa xôi cưỡng chế vụ đất đai lùm xùm. Câu hỏi đặt ra: rõ ràng, nếu thận trọng, nếu biết tự bảo vệ, rất nhiều vụ việc đau lòng cụ thể ta vừa bàn đến đã không xảy ra.
Thí dụ đơn giản, anh có thể dùng máy ảnh không loé đèn flat, không trông thấy ống kính thò ra để đối tượng không hề biết (nhà báo hoá trang điều tra, lợi dụng các tính năng của thiết bị hiện đại), không để biển số xe lạ của mình cho đối tượng nhìn thấy, cần biết đóng nhiều vai với sự "tay trong" của các đầu mối tin cậy, cần biết giấu địa chỉ, giấu số điện thoại của mình khi "trao đổi" với đối tượng...
Nếu làm được ngần ấy "võ nghề", tôi nghĩ, rất nhiều nhà báo đã không bị tấn công như chúng ta vừa thấy. Thí dụ nữa: sau khi bị đe doạ chửi bới (hầu hết các vụ kể trên nhà báo đều bị doạ trước khi bị đánh), nếu anh di chuyển khỏi hiện trường, hoặc tìm chỗ an toàn để tác nghiệp hoặc tháo thân, thì thảm cảnh đã không xảy ra. Chước "chuồn" trong băm sáu chước, không phải bao giờ cũng bị hiểu là hèn nhát, tôi nghĩ thế. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có câu slogan khá hay: không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ, anh mới viết và hiểu được số phận của miếng tóp mỡ!
Nhân các vụ việc được coi là rủi ro nghề nghiệp quá đau lòng như thế, một nhà báo kỳ cựu, một người nghiên cứu và quan sát báo chí có tiếng đã đặt vấn đề: ta cần nâng cao năng lực điều tra, thâm nhập sao cho an toàn mà hiệu quả cho nhà báo. Nhưng, trước hết, cần xử lý nghiêm khắc đặc biệt, cần xử làm gương những kẻ tấn công nhà báo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Luật Báo chí, Quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo. Nhà báo chân chính, họ đứng ở "đầu sóng ngọn gió", chịu bao nhiêu rủi ro như thế, là vì họ muốn cống hiến sức mạnh ngòi bút của mình làm cho cuộc sống thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Điều này thì chúng ta đã quá hiểu.
Có lẽ tôi không viết nữa. Người Việt mình vốn hay nhìn trước trông sau, giàu cũng giấu, nghèo cũng giấu, giỏi không khoe, dốt thì càng xấu xa đậy lại. Có một câu triết lý thú vị: ai cũng muốn tỏ ra mình quan trọng, và chính tôi nói ra câu nhận xét này cũng sẽ bị hiểu là nhằm mục đích tỏ ra mình giỏi giang và... quan trọng. Có lẽ, nhân ngày lễ của những người yêu thương báo chí, tôi chỉ có thể nói đến vậy thôi.
Đỗ Doãn Hoàng