"Tôi thấy nhiều người trả lời trẻ em kiểu cho có. Tôi không đồng tình với quan điểm đó", Xuân Bắc chia sẻ.
Diễn viên Xuân Bắc sinh năm 1976, anh từng đóng nhiều phim truyền hình và nhiều vở hài kịch.
Tuy nhiên, khi tôi lỡ mặc định anh là diễn viên hài, thì anh khảng khái nói ngay: “Ai gọi tôi là diễn viên hài là sai! Tôi là diễn viên! Và tôi có khả năng đóng vai hài! Người ta mà nhớ tôi và định vị tôi ở diễn viên hài thì chắc… do tiếng cười trong cuộc sống chúng ta quá thiếu, có thể tôi góp phần và đem lại sự vui vẻ cho mọi người, nên người ta nhớ đến niềm vui nhiều hơn là nhớ đến nỗi buồn”.
“Liệu câu trả lời đó có khiên cưỡng?” – Tôi bật lại theo cách phản biệt hơi máy móc của cánh phóng viên. Xuân Bắc hài hước trả lời ngay: “Đó là do mọi người thôi, tôi không có trách nhiệm phải uốn nắn suy nghĩ của ai cả? Có người bảo: Tôi chả quan tâm Xuân Bắc làm việc gì ngoài phim. Có người lại bảo: tôi chả quan tâm Xuân Bắc làm việc gì ngoài đóng hài. Cũng có người sẽ bảo: Tôi lại chả quan tâm Xuân Bắc làm gì ngoài việc làm MC cho Đồ Rê Mí… Vợ tôi bảo: Em chả quan tâm anh làm gì ngoài việc làm chồng. Con tôi nó lại bảo: Em chả quan tâm anh làm gì ngoài việc làm anh của em".
Đừng cố chỉ cho chúng tôi thêm “muối”
Vậy, tôi cũng nói thật, tôi lại chả quan tâm đến anh làm gì ngoài việc anh làm hài…
- Tất nhiên, mỗi người một mối quan tâm. Và chúng ta bắt đầu nói chuyện gì bây giờ?
Chắc là về “muối”! Nhiều khán giả và báo chí đang có nhận định: “Chương trình Hỏi Xoáy Đáp Xoay” đang quá… thiếu “muối”?
- Chắc mọi người phải đón xem tiếp những chương trình tới, để chứng kiến việc chúng tôi biến thành những “diêm dân” như thế nào, và để biết “muối” trong một chương trình là như thế nào?
Cụ thể đi, những “diêm dân” như anh sẽ phải qua những quy trình sản xuất như thế nào?
- Lời đầu tiên, tôi xin cảm ơn mọi người đã có những phản hồi về chương trình, vì một chương trình mà làm ra không ai xem, không ai phản hồi thì… chán lắm. Format chương trình không phải do các diễn đàn mạng làm ra mà do những người chúng tôi làm ra.
Tôi nghĩ, những người xem đừng cố chỉ cho những người làm “phải thêm một thìa hay một dúm muối”. Chúng tôi làm ra chương trình mà, khán giả hoặc xem hoặc không xem, còn nếu các bạn biết làm thế nào cho “đậm đà” thì các bạn đã là chúng tôi rồi còn gì? Tôi không biết, người ta chê ở đâu, biết ở đâu… thì tôi sẽ đọc đấy.
Theo anh, trong một chương trình hài, làm cái gì là khó nhất?
- Đó là gây tiếng cười.
Nhưng nếu “muối” không… “mặn”, người dùng vẫn có quyền lên tiếng chứ?
- Lên tiếng thì cứ việc lên tiếng, nhưng khán giả nên tin tưởng và hi vọng. Thay vì “ném đá” thì mọi người cứ gửi ý kiến về cho chúng tôi. Cuối mỗi chương trình, chúng tôi đều đăng địa chỉ góp ý cụ thể đấy thôi.
Đừng lấy một hiện tượng được quan sát đưa lên làm một định luật phổ quát. Khi chúng tôi làm chương trình “Gặp nhau cuối năm”, có nhiều người bảo, những vấn đề năm nay “thiếu muối”. Tôi có phản biện: “Thế theo bạn thì chúng ta nêu vấn đề gì bây giờ?”. Không ai trả lời được hay bảo tôi là “phải đi mà tìm hiểu chứ”.
Mọi người xem đều có quyền phán xét, chỉ có điều, những gì chúng tôi làm, chúng tôi đã cố gắng, tôi đã từng nói, khả năng sáng tạo của mỗi người, mỗi cá nhân đều có giới hạn mà khả năng thẩm thấu của khán giả thì ngày càng tăng, bọn tôi thì ngày càng già… Có cái nữa, bây giờ truyền hình có cả một ngàn kênh để lựa chọn, làm hài rất khó, khó vô cùng,
Những người làm có thể mất 5 ngày để làm một chương trình 10 phút, nhưng các bạn chỉ mất nửa giây để chuyển kênh. Vậy việc gì phải giữ bực bội mà không dùng nửa giây kia để gạt sang kênh khác và đừng quan tâm đến thành quả lao động của chúng tôi.
Có ý kiến cho rằng, khán giả không cười được là do… khán giả nhạt. Anh nghĩ sao?
- Nói thế thì khiên cưỡng và cực đoan quá. Tôi đang có đề tài nghiên cứu: “Đào tạo khán giả”. Nghe có vẻ ghê gớm nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, khán giả cũng biết chú ý xem những chương trình có chất lượng và biết cách cảm thụ nghệ thuật ngay từ nhỏ.
Tôi chưa bao giờ lấy suy nghĩ của khán giả làm đích hướng nhưng thường xuyên lấy những điều từ khán giả và xã hội để làm đề tài và cảm hứng cho công việc.
Tôi đóng hài từ mấy cái tích dân gian cũng vậy, nhiều khi cuộc sống đang diễn ra nhanh quá, có những thứ ông bà cha ông để lại mà nhiều khi ta lãng quên đi nên chúng tôi muốn người xem lắng lại.
Tự Long là “từ cao vút đến… mất hút”
Trong các đồng nghiệp của anh, anh thích ai nhất?
- Tôi không thích ai nhất cả, chỉ mỗi người có những cái để tôi học tập.
Anh học được gì từ Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long, Công Lý và… Cù Trọng Xoay?
- Vân Dung à? Có thích tôi cũng chẳng làm được Vân Dung, lí do thì hình dáng, giới tính khác nhau. Còn Quang Thắng, thì tôi không có được cái mũi quá khổ và đầy ấn tượng như thế, lại còn “ đặc chất” Hải Phòng nữa chứ, mộc mạc và mạnh mẽ. Công Lý thì bặm trợn và dung dị, thì tôi nghĩ, tôi phải học Công Lý ở khoản đó nhiều.
Riêng Tự Long thì sư phụ của tôi về cảm nhận và biên độ diễn xuất. Tự Long diễn say sưa, mạnh mẽ, biến hóa khó lường từ “cao vút… đến mất hút”. Còn Cù Trọng Xoay à? Thông minh lắm, chất của Xoay hiếm có, vẻ của bạn ấy không phải là cười khùng khục, cười điên đảo, cái của Xoay là sự dí dỏm. Ai mà tiếp xúc với Xoay rồi thì không ghét được cậu ấy? Cậu ấy có cái rất hay là nhớ rất tốt, nhận thức rất đúng đắn về xã hội, công việc, cuộc sống.
Còn người mới diễn cùng anh trong “Hỏi Xoáy – Đáp Xoay”, học sỹ Xoày Trọng Chấm?
- Anh Chấm à? Thực tế, thông qua chương trình thì khó đoán được trình độ, ai bảo, xem chương trình xong thấy Xuân Bắc siêu quá. Tôi không chấp nhận! Hay bảo Xuân Bắc kém quá, thì tôi cũng không chấp nhận nốt.
Anh Chấm là một người từng trải, biết võ thuật, lịch sử, am hiểu đồ cổ, làm giảng viên, lại còn biết cả triết học. Đây là những số đầu tiên nên chúng tôi vẫn tìm khớp với nhau để lắp ghép. Chúng tôi như chơi Lego, lắp ghép những mảnh rời thành hình nào mà chúng tôi cho là đẹp nhất bởi… Vì ở đây, chương trình không có một khuôn mẫu nào cả.
Vì sao anh quay trở lại với chương trình “Hỏi Xoáy - Đáp Xoay”?
- Đơn giản thôi, vì đó là công việc của tôi. Tôi không có khái niệm ra đi hay trở lại trong công việc cả.
Việc người ta đưa anh lên “bàn cân” với GS Cù Trọng Xoay trong thời gian vừa qua. Anh có ngại không?
- (Cười lớn) Đưa lên “bàn cân” á? Tôi đố đấy. Tôi không tự trèo lên cân thì ai cân được tôi, mà trói tôi đưa lên cân thì vi phạm pháp luật nhé. Còn so CÂN của tôi với người khác à? So làm sao được cơ chứ? CÂN của tôi, tôi để trong phòng ngủ, người thân lắm mới được vào trong, dễ gì mà so? Còn so trong tưởng tượng, thì các bạn cứ thoải mái thôi.
Việc anh và GS Cù Trọng Xoay “chia tay” nhau, liệu có phải “một rừng không thể có 2 con hổ”?
- Ồ, tôi phải hỏi lại rằng: Ai là rừng? Ai là hổ? Tìm hổ bây giờ khó lắm, đến con tê giác cuối cùng cũng bị bắn chết rồi, mà kiểm lâm… giờ lạ lắm nhé, nhìn thấy lâm tặc thì… chạy.
Nếu bạn là hổ, bạn sẽ không sống yên ổn được rồi trong cái giai đoạn mà người người, nhà nhà… đều đang muốn có cao hổ cốt, đại gia thì cũng… muốn có bộ da hổ để trong nhà cho nó sang. Bạn đừng nên làm hổ, và đừng bắt tôi hay ai khác phải làm hổ. Thế là bắt người khác chết đấy.
Con tôi mỗi ngày hỏi khoảng… 1.000 câu
Gây được “dấu ấn” với chương trình Hỏi Xoáy – Đáp Xoay. Khi về nhà, vợ, con anh có “xoáy” câu gì hay ho không?
- Nó hỏi suốt ngày ấy mà, chắc một ngày tôi trả lời khoảng… 1.000 câu. Nó hỏi thế này nè: “Anh Xuân Bắc ơi, tại sao con khỉ tay nó lại dài?”. Tôi bảo: “Cấu tạo nó thế”. Nó lại hỏi tiếp: “Tại sao lại là cấu tạo”, tôi tiếp: “Vì nó sinh ra như vậy”. Nó lại “xoáy”: “Sao em sinh ra như vậy mà… tay lại không dài?”, đến đây thì tôi bảo: “Vì em là người”. Nó tiếp: “Thế tại sao em lại là người?”, tôi tiếp tục: “Vì em khác con khỉ”, nó lại: “Sao em lại khác con khỉ?”. Ôi giời, tôi phải có trách nhiệm trả lại tất cả.
Tôi thấy nhiều người trả lời trẻ em kiểu cho có. Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Tôi thì nghĩ, trẻ em như tờ giấy trắng, mình hãy vẽ những bức tranh lên đó thật cụ thể, tôi không nói đến tranh đẹp nhé mà hãy cụ thể trước đó, mà này, tuyệt đối đừng vẽ tranh trừu tượng nhé.
Ở nhà, con anh xem những chương trình truyền hình gì?
- Nhiều lắm, con tôi xem Đồ Rê Mí, hài Mr. Bean, Tom và Jerry, Thế giới động vật… Xem hài của tôi, xem trên mạng ấy. Nó thích gì thì nó xem, miễn sao cái nó xem là cái tôi thích.
Còn nếu vợ anh không thích?
- Tôi sẽ thích cái của vợ. Còn cái con tôi thích mà tôi không thích, thì tôi sẽ tìm hiểu xem vì sao nó thích.
Tôi thích con cái phát triển tự nhiên, tôi chỉ chú ý hướng dẫn con tôi 2 điều: ý thức và nhận thức.Ý thức là con phải biết đánh răng, đi ngủ, ngủ dậy phải biết gấp chăn màn. Nhận thức là đánh răng sẽ không bị sâu răng, gấp chăn màn để không bị bẩn thỉu. Nhận thức đúng đắn sẽ bổ sung cho ý thức, và khi nó được trang bị đầy đủ, nó sẽ đi tìm kiến thức. Tôi không nhồi nhét gì cả.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Phunutoday
|