Những bài bình luận khá sắc sảo cho thấy đó là những người yêu công việc, có chuyên môn, họ đã và đang tiếp tục các thế hệ đi trước gắn tên mình với các chương trình bình luận quốc tế của Đài TNVN.
Xã hội ngày càng phát triển, thế giới với chằng chịt sự kiện và mối quan hệ khiến người ta ngày càng quan tâm hơn. Và tất cả các sự kiện đều cần được thông tin, bình luận trên Đài TNVN để giúp công chúng hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và có định hướng hơn… Công việc chẳng mấy đơn giản đó lại không phải do các đấng mày râu đảm trách, mà được giao vào tay “9 nữ nhi” đang tuổi bận rộn chuyện gia đình, chồng con. Đó là các nữ PV-BTV thuộc Phòng Thời sự quốc tế của Hệ Thời sự - Chính trị- Tổng hợp (VOV1), mà mọi người vẫn gọi với cái tên thân mật “tiểu đội nữ VOV1”.
Bình luận quốc tế đâu phải cứ đấng mày râu
Chương trình bình luận quốc tế được phát trên Đài TNVN từ mấy chục năm nay với nhiều tên gọi khác nhau như “Trên đất nước anh em”, “Câu chuyện quốc tế”, “Thời sự quốc tế”, “Nhìn ra thế giới”… và phòng Thời sự quốc tế lúc ban đầu cũng chỉ là một tổ sau phát triển thành một phòng với những cây bình luận quốc tế sắc sảo, đi đầu trong đấu tranh dư luận và bình luận quốc tế của làng báo Việt Nam… Nhưng cũng ngay từ lúc đó, cùng với các bình luận viên (BLV) là nam giới (chiếm đa số) thì cũng có nhiều nữ biên tập viên đã gắn tên mình với chương trình này như Minh Đức, Kim Chi, Minh Tiệp, Thanh Hạnh, và sau này là Kim Liên, Tiêu Liên, Vân Hương, Mai Chi, Điệp Anh, Thu Hằng, Kim Thu…
Bình luận quốc tế là một công việc khó, nó không chỉ đòi hỏi người ta phải đọc nhiều, biết nhiều, giỏi ngoại ngữ, mà còn đòi hỏi độ tinh tường sự kiện, có giác quan thứ 6 nhạy bén để phán đoán tình hình và có độ nhạy cảm chính trị cao… Điều vất vả nữa là thường các sự kiện quốc tế bên kia bán cầu diễn ra khi Việt Nam đang là đêm nên các BLV phải thức để đón lõng, bám sát sự kiện mới đảm bảo thông tin nhanh tới thính giả… ở nhiều cơ quan báo chí, công việc này chủ yếu do cánh mày râu đảm nhận, ít phụ nữ nào dám “dấn thân” vào lĩnh vực này.
|
Bà Minh Đức, một trong những nữ phóng viên đầu tiên làm việc tại phòng Thời sự quốc tế (thời điểm 1975) kể lại rằng, thời điểm đó, phòng có 9 người thì duy nhất bà là nữ. Lúc ấy làm thời sự quốc tế rất khó vì người làm báo có ít thông tin quốc tế, nếu có thì thông tin thường chậm và chỉ có nguồn tin từ TTXVN và sứ quán các nước anh em. Bà thường phải thức đêm nghe đài nước ngoài, phải chắt lọc thông tin, bám sát sự chỉ đạo để viết bình luận… Bà Minh Đức từng được giải thưởng báo chí quốc tế của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) nhờ những bài bình luận các sự kiện quốc tế đó. Bà nói: “Bình luận quốc tế đâu cứ phải đấng mày râu!”.
Khó trăm lần… chồng liệu cũng xong
Giờ đây, khi xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi của thính giả về mảng thông tin và bình luận quốc tế cũng cao hơn. Ngoài tin tức, thính giả còn muốn nghe và hiểu sâu hơn các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội quốc tế và về mối quan hệ Việt Nam với các nước... Chính vì vậy, phòng Thời sự quốc tế đảm nhận thêm các chương trình như “Theo dòng thời sự”, “Thế giới hợp tác và phát triển”, “Hành động ASEAN” - nay là chương trình “Ngôi nhà ASEAN”, rồi chương trình “Hồ sơ sự kiện”, “Bạn bè với Việt Nam”, “Tầm nhìn UNESCO”, “Thế giới 7 ngày”…
Nhưng, vào chính thời điểm này thì cả phòng Thời sự quốc tế lại 100% BLV và BTV là nữ. Đó là “chị cả” Điệp Anh, người vừa hoàn thành nhiệm vụ phóng viên thường trú tại Nga trở về làm trưởng phòng, và tiếp đó là các nữ BTV rất trẻ: Thuỳ Vân, Việt Nga, Hồ Điệp, Thu Hiền, Thu Hà, Ngân Giang, Thanh Hiền, Kim Oanh.
Mỗi người đến với chương trình Thời sự quốc tế với những lý do khác nhau, nhưng nếu nghe giọng đọc và những bài viết, bài bình luận của họ trên Đài TNVN thì chắc chắn ai cũng cảm nhận được rằng, đó là những người yêu công việc, có chuyên môn, họ đã và đang tiếp tục các thế hệ đi trước gắn tên mình với các chương trình bình luận quốc tế của VOV.
Chị Điệp Anh tâm sự: Làm Thời sự quốc tế bây giờ vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì khoa học kỹ thuật phát triển, “thế giới phẳng” với mạng Internet giúp các chị có thể ngồi ở Việt Nam mà tường thông chuyện quốc tế. Và các chị cũng có nhiều điều kiện hơn để có mặt ở các sự kiện lớn trên thế giới. Nhưng cái khó là thế giới ngày càng phân cực rõ hơn và đa chiều hơn, bình luận sao cho đúng, cho trúng, cho hay quả là không dễ. Vì ngoài việc phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin thì cũng phải nắm chắc quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về những vấn đề này.
Còn BTV Hồ Điệp thì bộc bạch: “Khi mà bình luận quốc tế của VOV đã trở thành thương hiệu, thì sức ép càng nhiều hơn, bởi trước một sự kiện quốc tế, thính giả vẫn giữ thói quen trông đợi vào phản ứng của VOV. Làm sao để có thông tin nhanh, với cánh mày râu đã khó, với phụ nữ càng khó hơn. Tất nhiên chúng tôi có lợi thế bởi trước các nhà báo nữ Việt Nam mềm mỏng, các quan chức nước ngoài ít khi từ chối trả lời phỏng vấn”.
Chị Việt Nga, một BLV đã từng tham gia nhiều chuyến công tác trong và ngoài nước bày tỏ: Với phụ nữ, những chuyến đi như thế rất vất vả và nhiều thử thách. Tuy nhiên, nó lại giúp các chị có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin, được học hỏi và trải nghiệm… Với chị Thu Hiền, 2 vợ chồng đều làm báo (Anh Đặng Linh - chồng chị - là PV Trung tâm tin VOV cũng luôn phải đi công tác xa) thì “sắp xếp sao cho ổn thỏa chuyện con nhỏ để yên tâm ngồi nghiền ngẫm, bình luận chuyện thế giới cũng là chuyện không nhỏ”…
Còn nhớ gần đây nhất, khi mà Haiti chịu cơn động đất mạnh, các chị đã không ngần ngại “bỏ” chồng con ở nhà, thức đêm tại cơ quan để chờ những tin tức mới nhất cho bài bình luận vào sáng hôm sau. Ngay cả những sự kiện có thể đoán trước kết quả như bầu cử tổng thống ở Ukraine, hay tình hình chính trị ở Thái Lan… các chị vẫn kiên trì chờ đợi kết quả chính thức bởi các chị hiểu “bình luận quốc tế không bao giờ được nóng vội, võ đoán”. Và để có bài bình luận hay, theo các chị, cũng phải “hy sinh” một chút sắc đẹp, một chút riêng tư, một chút gia đình…, nhưng các chị vẫn đùa vui rằng: Khó trăm lần… chồng liệu cũng xong. Vâng, các chị cần lắm một hậu phương vững chắc./.
Đồng Mạnh Hùng (theo VOVnews)
|