Chia sẻ đời tư, tình cảm với giới truyền thông thì không hẳn ai cũng mở lòng. Nhưng khi tôi đề nghị Thụy Vân kể về cuộc đời mình với độc giả thì dường như cô rất mở lòng…
Bởi với Vân những gì đã trôi qua và hiện hữu là những phút giây đầy ý nghĩa, là niềm hạnh phúc khó có thể tìm trở lại.
Hóa thân vào một “quý cô” lộng lẫy, sang trọng lúc đăng quang ngôi vị Á hậu Việt Nam 2008 nhưng trong đời thường Thụy Vân vẫn là một thiếu nữ mang vẻ đẹp thuần khiết, thùy mị và nền nã với nụ cười hiền thân thiện luôn xuất hiện trên môi. Với cái duyên ăn nói khôn khéo và nhẹ nhàng, Thụy Vân luôn cuốn hút người đối diện hướng ánh mắt về mình.
Đã có lúc, tôi thèm diễn khủng khiếp...
Bởi 3 tháng, 3 ngày tại Trung Quốc tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Đến nỗi, sau 2 tuần trở về Hà Nội, tôi vẫn cảm giác thấy như mỗi thứ vẫn hiện hữu ở đây, mới mẻ như vừa xảy ra từ hôm qua vậy. Với tôi, đoàn làm phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long không chỉ là những người đồng nghiệp mà đã thực sự nối kết nhau thành một gia đình lớn.
Tôi đã gọi đó là đó là “Những ngày ở Hoành Điếm”, trời giá lạnh, tuyết và gió cứ táp thẳng vào mặt khi phải diễn cảnh quay ngoài trời. Ngồi cạnh nhau, chúng tôi lại truyền hơi ấm cho nhau bằng cách xoa vào lòng bàn tay vậy. Thương nhất là các em nhỏ, chúng giống tôi, vừa lạnh vì tiết trời Trung Hoa nhưng vừa vui vì lần đầu tiên bước chân được đến đây làm phim của một đạo diễn người ngoại quốc. Niềm vui ấy, khiến chúng tôi quên đi mệt mỏi, khó khăn trong việc tiếp xúc với ẩm thực và thời tiết người Hoa.
Các món ăn vừa cay lại vừa nóng khiến tôi bỏ bữa liên hồi. Thế rồi, đoàn làm phim Việt chúng tôi lại san sẻ với nhau từng thìa ruốc thịt, chút muối vừng và đôi khi cùng nhau gặm mì tôm sống (Cười). Đó là những khoảnh khắc Ngày cả đoàn đi tiễn những người về trước, chúng tôi ôm nhau khóc. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi buồn chia tay, cảnh người ở người về và sự cô đơn ở chốn đất khách quê người.
Ngày nhớ nhất với tôi có lẽ là cái Tết xa nhà đầu tiên tại Trung Quốc. Trời lạnh - 3 độ, tôi lấy máy tính chat voice với bố, mẹ và em ngồi cạnh. Bố bảo: "Bố thương con gái ở xa, không về ăn tết được nên mấy hôm trước đã lấy sổ ghi cho con vài dòng. Nhân hôm nay có cả mẹ và em gái ở đây bố đọc cho con nghe nhé. Mong con cố gắng làm tốt công việc của mình ở nơi đất khách quê người". Nhìn giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, tôi không ngăn nổi mình bật khóc. Nhưng chính tình yêu gia đình, sự động viên của bố đã tiếp sức mạnh cho tôi, giúp tôi quên sự lạnh lẽo và nỗi cô đơn những ngày ở Trung Quốc.
"Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long" là bộ phim cổ trang đầu tiên và cũng có lẽ là cuối cùng tôi tham gia - khi mọi người hỏi lí do, tôi thường nhắc tới 2 chữ duyên phận. Ngày đầu tiên cầm kịch bản và được mời thử vai, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi nhân vật Thanh Liên. Đó là cô gái có vẻ đẹp dịu dàng, thuần Việt và có đức hi sinh cao cả. Tôi quyết định thử sức với nghiệp diễn và gác lại những bận rộn tại đài truyền hình. Tôi tham dự bộ phim này, phần vì muốn thử sức mình trong một lĩnh vực mới mẻ, phần thực lòng mong được góp chút sức mình vào đại lễ 1000 năm Thăng Long sắp tới.
Công việc đóng phim thực sự không đơn giản. Trước khi lên đường tới Hoàng Điếm, tôi không thể ngờ mình sẽ trải qua những ngày vất vả và khổ cực như thế. Tôi thêm yêu người diễn viên và trân trọng hơn quá trình lao động của người nghệ sĩ. Mỗi cảnh quay trôi qua đều thấm đầy mồ hôi, có khi cả nước mắt. Có những cảnh quay kết thúc lúc 4,5 giờ sáng. Cả đoàn làm phim lúc đó dường như một cỗ xe, nếu không khớp với nhau xe sẽ hỏng và phải sửa lại. Tôi sợ nhất những lần đạo diễn phải ra thị phạm đến lần thứ 3, nghĩa là làm đến đúp thứ 3 của một cảnh. Tôi không muốn vì mình mà người khác bị ảnh hưởng, tiến độ làm phim vì thế cũng chậm đi.
Nhưng thật may, tôi đã được làm việc với một đạo diễn giỏi, chuyên nghiệp và một ekip làm phim đầy kỉ luật. Tôi học cách làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ đến từng giây phút. Ai đến chậm giờ thì phải xin lỗi cả đoàn. Khi bước vào cảnh diễn cũng phải nghiêm túc, quên hết con người của mình đi để hoá thân vào nhân vật. Thanh Liên là một vai diễn nặng kí. Thế mạnh của tôi là diễn theo bản năng, theo cảm xúc và tôi đã tận dụng nó hết sức cùng với những kĩ năng mình học được. Khi mới tham gia làm phim, tôi cũng như nhiều người lo ngại: Liệu đạo diễn Cận Đức Mậu của Trung Quốc có hiểu được văn hoá và con người Việt Nam?.
Nhưng sau đó, tôi nhận ra chẳng có gì đáng lo cả. Ông đã từng có thời gian dài ở Việt Nam, am hiểu cả từng cung bậc của đàn bầu. Tuy không biết tiếng Việt nhưng ông có khả năng cảm nhận phản ứng của diễn viên qua từng câu nói. Ánh mắt của ông tập trung tuyệt đối, nhiều khi diễn viên cảm giác như mình đang bị lườm. Ông cũng không tiếc lời khen ngợi khi diễn viên diễn đạt. Trong đó, cảnh quay Thanh Liên và Lý Công Uẩn (do Phạm Tiến Lộc) gặp nhau trong cung, xoay tròn trong vòng tay của nhau, ông rất hài lòng, gọi cả hai chúng tôi vào cùng xem lại. Những lúc như vậy tôi thật sự thấy rất hạnh phúc.
Nhưng đam mê của tôi là truyền hình...
Tôi thử sức với truyền hình lần đầu tiên khi nộp đơn vào Bản tin tài chính. Lúc đó, tôi đang học năm đầu của Đại học Ngoại thương và chỉ cảm giác nghề báo là một nghề thú vị chứ chưa hiểu nhiều về nó. Sau 3 tháng thực tập, học cách tìm thông tin của Reuters, tôi bắt đầu tham gia công việc này và đam mê nó từ lúc nào không biết. Bản tin chứng khoán, Chào buổi sáng, Bản tin nông nghiệp, Lựa chọn cuối tuần... mỗi chương trình đều đem lại cho tôi những cảm giác và trải nghiệm mới mẻ. Tôi hạnh phúc vì được làm công việc mình yêu thích và theo đuổi những thông tin mới mẻ chạy hàng ngày. "Lựa chọn cuối tuần" là thử thách đầu tiên của tôi trong công việc MC. Tôi phải đứng dẫn trực tiếp trong gần 1 giờ đồng hồ. Sau "Lựa chọn cuối tuần", tôi đã vững vàng hơn rất nhiều và sẵn sàng thử sức cho những cơ hội mới.
Theo tôi, làm báo hình quan trọng nhất là nội dung và cách truyền tải của người dẫn chương trình tới khán giả. Nói ra một câu thì đơn giản, nhưng để có được câu nói đó là sự cố gắng của một tập thể, từ khâu duyệt tin, chọn tin và thực hiện tin, cách mình cuốn hút khán giả tiếp nhận thông tin mà mình đưa ra. Bản thân người làm báo phải luôn đặt mình là khán giả để xem vấn đề nào được họ quan tâm, vấn đề nào có ích trong cuộc sống.
Nghề báo là một nghề vất vả, nhiều thách thức nhưng đầy sức quyến rũ...
Và điều bí mật ngọt ngào của tôi là...
Ông xã hơn tôi 8 tuổi, có một trái tim đầy yêu thương và một tình yêu ấm nóng, một người không giàu có, nhưng có ý chí, có học thức và dám nghĩ dám làm.
Là lần gặp đầu tiên gặp mặt thật hài hước. Một người con trai tự xưng là nhân viên bưu điện, hẹn gặp tôi với lí do có khách hàng ở xa gửi hoa cho Vân. Khi anh chàng nhân viên bưu điện cầm hoa đứng ở cổng đài truyền hình Việt Nam - 43 - Nguyễn Chí Thanh, tôi bất ngờ: Nhân viên bưu điện gì mà cao, to, đẹp trai vậy... Tôi nghi ngờ và đòi xem ngay hoá đơn nhưng anh chối bay chối biến. Mấy hôm sau, một chàng ngốc gọi điện cho tôi tẽn tò khai báo: "Anh thấy em ở bản tin tài chính, nhìn dễ thương nên anh nhờ một người bạn mai mối. Vì anh ngại làm quen với người lạ nên phải dùng cách ấy".
Là một ngày tình yêu trời mưa tầm tã, khi anh đặt vé máy bay từ trong Nam ra Hà Nội, mang theo một vựa trái cây, sầu riêng, xoài... Tôi vừa làm xong chương trình "Cuộc sống hàng ngày", bước ra cổng đài thì thấy anh đứng đó. Tay cầm túi hoa quả, tay đưa áo mưa "em mặc đi, anh vừa mua đấy". Tôi thấy thương và xúc động quá. Trái tim biết yêu, biết rung động ấy đã làm tôi yêu từ lúc nào không biết.
Là ngày sinh nhật anh do tôi tự tay tổ chức. Bánh gatô thật to màu trắng, trên có phủ socola, anh khen tôi: "Em khéo chọn quá". Hôm ấy, bạn bè anh, bạn bè tôi đến đông đủ. Anh hạnh phúc bảo: "Em chính là chiếc cầu nối của anh".
Là những dự định tương lai mà cả 2 cùng vạch ra, cùng chia sẻ. Anh mong muốn chúng tôi sẽ có 3 đứa con chung, tôi thì mong mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ xinh và hạnh phúc, một sự nghiệp thành công. Chúng tôi cùng nhau chăm sóc những ước mơ riêng, những ước mơ chung và giữ lửa hạnh phúc cho chính mình. Với tôi, để duy trì tình yêu, cần rất nhiều niềm tin và sự đồng cảm. Có sóng gió, có xa cách cũng là để thử thách cho tương lai thêm bền vững.
Bà họ tôi đã tặng tôi một chiếc nhẫn cho ngày thành hôn. Tôi đã nghĩ, có lẽ ngày ấy cũng không còn xa nữa. Nhưng trước khi bước vào thánh đường, tôi phải dọn dẹp con đường còn dang dở của mình đã…
Giờ thành hôn, ước mơ hạnh phúc của tôi và anh đã điểm. Những người thân, gia đình và bè bạn xung quanh cũng tôi chia sẽ niềm vui. Không gì bằng… và, giờ đây, Thụy Vân phải dành chút thời gian vốn dĩ được lấp kín vì công việc trước đó để lo cho gia đình nhỏ của mình. Có thể là bữa cơm cuối ngày, có thể là những chuyến thăm gia đình nội ngoại, cũng có thể là những tâm sự sẽ chia cùng ông xã sau một ngày làm việc,… tất cả cũng đủ để Thụy Vân cảm nhận hạnh phúc của một ngày mới.
Theo Eva
|