O2TV là một kênh chuyên biệt về sức khỏe, vậy cho nên khi đề cập đến vấn đề sức khỏe mọi người cũng sẽ hoài nghi rằng nếu nói là một chuyên mục sức khỏe hàng tuần, hàng ngày thì còn có lý, đây 24/24 nói về sức khỏe lấy đâu ra đề tài. Tuy nhiên, càng làm thì những người làm chương trình lại thấy mở ra rất nhiều vấn đề. Trong khi đề cập đến những hướng bệnh phổ biến, bệnh liên quan đến cộng đồng nhiều nhất, như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, các bệnh về trẻ nhỏ, bệnh người già, sức khỏe sinh sản… mới thấy rằng, truyền hình chưa có những chương trình quan tâm chuyên sâu đến sức khỏe nam giới, và những vấn đề của nam giới nói chung.
Đấy là một khoảng trống khá lớn và qua tiếp xúc với rất nhiều người họ đều thấy rằng nam giới rất có nhu cầu được có thông tin, được tư vấn về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nam học, họ rất ái ngại bởi vì họ nghĩ là họ là phái mạnh, lúc nào họ cũng phải mạnh kể cả về sức khỏe. Thực tế là phái mạnh hóa ra đang có phần chịu thiệt thòi trong vấn đề về sức khỏe và chia sẻ tâm lý. Ở mọi bệnh viện đều có khoa sản, nhưng không có khoa nam học, hoặc rất là ít bây giờ mới lác đác thành lập và tất nhiên không có bệnh viện nào chuyên biệt trị bệnh nam học cả. Và nhiều nam khán giả lung túng, khi biết khả năng mình có bệnh nhưng không biết hỏi ai và không biết bác sỹ nào, khoa nào, trong khi phụ nữ thì lại rất thuận lợi. Chương trình của chúng tôi muốn bù đắp sự thiệt thòi đó cho nam giới.
Vậy chị có ngại không khi đề cập đến vấn đề vốn được coi là rất nhạy cảm này, nhất là trên sóng truyền hình?
Ngại thì có ngại bởi hầu hết phóng viên ở O2TV đều rất trẻ và chưa lập gia đình. Thế nên chẳng thể đẩy việc đó cho ai cả…(cười), nhưng càng làm tôi càng thấy lý thú vì không chỉ những vấn đề sức khỏe về nam học mà cả những vấn đề về tâm lý, nam giới cũng rất thiệt thòi, bởi vì họ không được khóc với ai cả….Đúng như nhạc sĩ Lê Minh Sơn có bài hát thế này “Làm đàn ông khó lắm, không được khóc nhè...”
Đối tượng khách mời của Dành cho đàn ông chủ yếu là những ai?
Khách mời của chương trình ngày càng đa dạng. Lúc đầu là các chuyên gia về y học giới tính như GS.Trần Quán Anh, các bác sĩ khoa tiết niệu ở bệnh viện Việt Đức, và các bác sỹ đông y liên quan đến tư vấn sức khỏe cho nam giới. Rồi các chuyên gia nghiên cứu về giới để nói về những vấn đề đồng tính cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm, nói về vấn đề HIV, tình dục an toàn…. Rồi các chuyên gia về xã hội học như TS. Khuất Thu Hồng là những chuyên gia , viết sách và có những công trình nghiên cứu về tình dục học ở Việt Nam.
Sau đó có những khách mời là những nhân vật nổi tiếng, những nhân vật tiêu biểu cho đàn ông trong xã hội chúng ta, mọi giới. Đó là các nghệ sỹ, các nhà thơ, nhà văn, các nhạc sỹ nổi tiếng, BLV thể thao, rồi HLV trưởng ĐTQG Việt Nam Henrique Calisto, những người thành công, thành đạt trong sự nghiệp của họ, những người muốn chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm sống … Chúng tôi cũng mời cả những người nam giới là người đồng tính, những người nam giới nhiễm HIV đã sẵn sàng công khai danh tính để chia sẻ bài học cuộc đời của họ.
Khách mời của chúng tôi còn có cả phụ nữ và cũng đã có lần chúng tôi mời một cô gái đã từng là gái bán dâm. Cô ấy đã có cuộc trao đổi một cách rất thẳng thắn về hành vi tình dục không an toàn của nam giới như thế nào. Khách mời còn có những người nước ngoài, chia sẻ những quan niệm và kinh nghiệm giới của họ, như các chuyên gia tình dục học của nước ngoài, hay như ngài Đại sứ Thụy Điển, bà phó Đại sứ Mỹ đã tham gia chương trình để chia sẻ về quan điểm về bình đẳng giới hay cái nhìn của họ về nam giới Việt Nam, quan hệ giữa nam và nữ ở xã hội Việt Nam.
Những người đồng tính, những người bị HIV-AID… luôn rất mặc cảm và tự ti với số phận của họ. Vậy làm thế nào để chị có thể thuyết phục được họ tham dự chương trình?
Ở trường quay O2TV chúng tôi luôn có sẵn mặt nạ cho nhân vật của mình khi họ không muốn công khai danh tính. Tuy nhiên, có những người chỉ sử dụng mặt nạ lần đầu tiên và lần sau thì họ nói rằng, sẵn sàng tham gia chương trình mà không cần mặt nạ vì muốn được là chính họ. Quan trọng là sự dũng cảm lộ diện của họ có sức thuyết phục và cảnh tỉnh hơn rất nhiều đối với khán giả.
Có một bạn trai năm nay mới 22 tuổi, đã bị nhiễm HIV do quan hệ đồng tính từ năm 18 tuổi, đã nói sự thực rằng việc quan hệ đồng tính có nguy cơ lây nhiễm cao đến như thế nào, bằng câu chuyện, bằng chính cuộc đời của cậu ấy. Hay như câu chuyện của một cô gái bán dâm, cô ấy nói sự thực là cô ấy đã từng quan hệ với bao nhiêu người và những thành phần nào trong xã hội không dùng bao cao su bởi họ đều tin tưởng rằng một cô gái xinh như thế không thể nào nhiễm HIV, nhưng sự thực là cô ấy đã mang virus HIV từ lâu rồi… Với những câu chuyện như thế tôi tin rằng có tính thuyết phục rất lớn về mối nguy hiểm của những hành vi tình dục không an toàn.
Chị có thể cho khán giả được biết kỷ niệm đáng nhớ của chị trong suốt thời gian thực hiện chương trình?
Mỗi chương trình là một sự khám phá, bởi bản thân mình là phụ nữ mà mình khám phá về nam giới đã là một điều rất là thú vị rồi. Nhiều người cứ bảo là chương trình dành cho nam giới thì phải là nam giới dẫn chăng, nhưng tôi nghĩ rằng rất là khó nhường cái vinh hạnh đó cho người nam giới, bởi vì thú vị nhất khi mình được tìm hiểu những vấn đề về đối tượng khác giới của mình. Bên cạnh sự tò mò, sự khuyến khích thì mỗi chương trình đều đem lại cho tôi những ấn tượng rất thú vị. Sau mỗi chương trình, tôi luôn luôn viết vào blog của mình để ghi nhớ những cảm xúc, những ấn tượng về điều khám phá được của mình về chương trình và nhân vật đó cũng như những câu chuyện được tìm hiểu qua nhân vật.
Nhưng câu chuyện mà tôi nghĩ là khó quên nhất, liên quan đến những người gặp bi kịch như tôi đã đề cập đến câu chuyện của chàng trai 22 tuổi. Bạn ấy đã ở “đáy” xã hội rồi, bạn ấy là trai bán dâm, bạn ấy bị nhiễm HIV từ năm 18 tuổi nhưng có điều là câu chuyện thực của bạn ấy cho thấy một mảng khác và quan hệ đan chéo khác của xã hội rất là phức tạp, rằng là rất nhiều người khác không thừa nhận, không dám lộ là mình đồng tính vẫn tiếp tục quan hệ với những người đồng tính là trai bán dâm… Chính vì thế, việc lây chéo rất là lớn và bi kịch nó lan truyền một cách rất là âm thầm… đó là một mặt trái khác của xã hội và có tính cảnh báo rất là cao. Tôi cũng rất tiếc là chương trình cũng chưa thể có được một độ phủ rộng cũng để có được một lượng người xem đông hơn… Bởi nếu mọi người xem đông hơn thì những thông điệp từ các nhân vật của chương trình sẽ đem lại những hiệu quả còn lớn hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng những đối tượng đặc thù đã bắt đầu biết đến những chương trình có tính đặc thù như của chúng tôi.
Và một lời nhắn gửi của chị tới những khán giả của chương trình?
Cho dù đây là chương trình dành cho đàn ông nhưng tôi biết rằng khán giả của chương trình không chỉ là nam giới bởi phụ nữ cũng rất thích xem. Họ xem để có thể hiểu hơn nữa về nam giới. Nhưng tôi chỉ muốn nói thông điệp của chương trình xuất phát từ sự chia sẻ và thông cảm với nam giới chứ không lên án, hay trách cứ hay phơi bày một điều gì. Hãy chia sẻ và thông cảm bởi biết rằng ai cũng thế, đều phải chịu đựng những sức ép lớn trong cuộc sống, và đều cũng có lúc muốn khóc, muốn giãi bày và bối rối, dù là đàn ông hay đàn bà. Tóm lại, là một người phụ nữ dẫn chương trình này, càng làm tôi càng chia sẻ, càng thông cảm với nam giới.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này và chúc chị thành công với chương trình này.