Thụy Vân thấy mình không đẹp sắc sảo nhưng có gương mặt hài hòa, thuần Việt. Ảnh: Hoàng Hà.
- Điều gì khiến chị mạo hiểm ngưng nghỉ công việc ở Đài truyền hình một thời gian dài để theo đoàn phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" sang Trung Quốc đảm nhận vai diễn đầu tay nặng ký?
- Thôi thì cứ đổ cho cái duyên. Trước đây, tôi nhận được không ít lời mời đóng phim nhưng đều từ chối vì chưa cảm thấy yêu nhân vật. Khi đoàn phim Lý Công Uẩn gọi cho tôi, họ không mời tôi ngay mà chỉ đề nghị tôi đến casting, cho tôi đọc qua đề cương bộ phim. Tôi thấy vai diễn của mình rất ngắn, không ý thức được sức nặng của nó, nhưng ngay lập tức bị chinh phục. Sau lần gặp nhà sản xuất Việt Nam, tôi còn trải qua buổi thử vai với êkíp Trung Quốc nữa. Rất nhiều gương mặt được nhắm cho vai này nhưng cuối cùng tôi đã được chọn.
Người ta không cần danh tiếng của tôi, không cần Á hậu Thụy Vân mà cần một diễn viên Thụy Vân thực sự. Những người trong đoàn động viên, chỉ cần Thụy Vân bê nguyên con người cùng cách hiểu về lịch sử sẽ diễn tả được đúng nhân vật. Khi ấy tôi yên tâm hơn vì rõ ràng mọi người thấy tôi hợp vai. Tôi rất tự tin khi mọi người nhận xét: “Thụy Vân không phải diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản nhưng có diễn xuất tự nhiên".
- Chị tìm thấy những điểm tương đồng nào của mình với Thanh Liên khi đưa con người thật của mình vào nhân vật?
- Về ngoại hình, Thanh Liên là cô gái có nhan sắc, bản thân tôi cũng có gương mặt ưa nhìn. Thanh Liên đại diện cho phụ nữ Việt Nam, từ cô ấy phải toát lên sự nhân hậu. Điểm mạnh trên khuôn mặt của tôi là sự hài hòa chứ không phải đôi mắt đẹp hay bờ môi gợi cảm. Về tính cách, Thanh Liên là cô gái dịu dàng, và thùy mị. Trong cuộc sống tôi cũng rất vui vẻ, thân thiện, là người cầu toàn trong các mối quan hệ.
- Một bộ phim dã sử Việt nhưng lại được thực hiện bởi êkíp Trung Quốc khiến nhiều người e ngại nó giảm bớt tính dân tộc. Ở góc độ cá nhân mình, chị đánh giá ra sao?
- Tôi cho rằng khán giả không nên quá lo bởi phim có sự chuẩn bị rất kỹ hàng năm trời. Trong quá trình làm phim có sự giám sát của họa sĩ - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng. Bối cảnh quay ở Trung Quốc nhưng theo như tôi được biết, văn hóa thời Lý khá giống thời Hán. Vì thế, họ có thể tận dụng cái có sẵn đồng thời gắn những họa tiết, hoa văn, cách thức sử dụng của người Việt vào. Sông núi cũng chọn những vùng gần giống Hoa Lư - Ninh Bình. Nhiều người băn khoăn là đạo diễn Trung Quốc làm sao cảm được văn hóa Việt Nam. Đây lại chính là việc ít đáng lo nhất. Đạo diễn Cận Đức Mậu có quá trình dài sang đây thẩm thấu văn hóa, con người Việt Nam và rất thích tiếng đàn bầu. Thậm chí những người bên êkíp Trung Quốc có nhiều tài liệu lịch sử Việt Nam hơn mình nhờ thu thập của hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Theo tôi, việc sử dụng êkíp Trung Quốc chỉ làm tăng tính dân tộc của Việt Nam chứ không phải đem văn hóa Trung Quốc vào phim dã sử Việt Nam.
|
Thụy Vân trong tạo hình nhân vật Thanh Liên phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long". Ảnh: H.H. |
- Thời điểm chị nhận vai cũng là lúc ồn ào chuyện Dương Trương Thiên Lý ngừng đóng “Trần Thủ Độ”. Điều này ảnh hưởng thế nào đến tinh thần của chị?
- Sự việc xảy ra, tôi không dám đánh giá đó là sự thất bại, thành công hay sự PR nào của Dương Trương Thiên Lý. Giữa Dương Trương Thiên Lý và Thụy Vân có sự tương đồng về công việc, danh hiệu, sự nổi tiếng nhưng nhân vật của chúng tôi khác nhau. Bản thân tôi rất yêu nhân vật còn Dương Trương Thiên Lý có nhiều lý do để hủy vai Trần Thị Dung. Vì vậy tôi không chịu sức ép nào khi thể hiện nhân vật của mình.
Khó khăn lớn nhất của tôi nằm ở chỗ, bộ phim chia ra hai phần rõ ràng: mảng chính trị về mối quan hệ vua quan và mảng về chuyện tình của Lý Công Uẩn với Thanh Liên. Tôi phải làm thế nào gánh vác nửa nhu của phim để nó cân bằng với nửa cương gồm toàn những nhân vật gạo cội, thông qua Thanh Liên thể hiện hình tượng Lý Công Uẩn, một vị vua anh minh, tài giỏi nhưng cũng giống như bao người đàn ông khác, thủy chung với tình yêu của mình.
- Ba tháng ở trường quay Hoành Điếm (Triết Giang), chị cảm thấy thế nào?
- Tôi có nhiều kỷ niệm đến mức cảm thấy nuối tiếc không hiểu sao thời gian trôi qua nhanh thế. Sau khi đặt chân về Việt Nam, tôi nhớ Hoành Điếm kinh khủng. Ở nơi đó, có rất nhiều câu chuyện mà chỉ cần nghĩ lại, tôi cũng buồn cười. Chúng tôi đã chia sẻ cho nhau từng miếng ruốc, từng chút muối vừng, từng gói mỳ tôm. Đêm giao thừa trên đất khách, ai cũng buồn rơi nước mắt. Trước đây, khi xem chương trình trên VTV4, tôi không hiểu hết nỗi nhớ của kiều bào hay sinh viên xa nhà với tổ quốc nhưng khi sống trong cảm giác ấy, tôi mới thấm thía.
Khi đóng phim, tôi chỉ nghĩ mình là Thụy Vân chứ không phải một Á hậu. Tôi cũng ăn cơm hộp như mọi người, cố gắng tự làm mọi việc. Tuy nhiên, Hoàng Điếm lạnh kinh khủng. Tôi và các diễn viên phải uống nước lạnh để nói không bị ra hơi. Mỗi lần tôi diễn xong, người thì lấy chăn, người thì túi sưởi, người cho tôi uống nước gừng để hồi sức. Vất vả nhưng tôi vô cùng hạnh phúc với thành quả mình đạt được.
- Không chỉ lần đầu đóng phim, chị còn khó khăn khi làm việc với êkíp Trung Quốc. Chị giải quyết những bất đồng ra sao?
- Thực ra, trong cái rủi có cái may. Tôi được làm việc với đạo diễn Trung Quốc, được học hỏi rất nhiều. Cận Đức Mậu lại từng là một diễn viên. Vì thế khả năng thị phạm của ông rất tốt. Sự chuyên nghiệp của êkíp thúc đẩy mình phải cố gắng hơn. Đạo diễn Cận Đức Mậu không hiểu tiếng Việt nhưng luôn bắt diễn viên diễn thoại trước khi vào cảnh, theo dõi phản ứng của diễn viên ở từng câu nói. Ánh mắt của ông tập trung đến mức khiến diễn viên cảm thấy đang bị lườm. Cảnh Thanh Liên và Lý Công Uẩn gặp lại nhau trong cung, xoay tròn trong vòng tay của nhau, ông gọi tôi và Tiến Lộc vào xem lại, tỏ ra rất hài lòng. Hay như cảnh Thanh Liên nói chuyện với Lý Công Uẩn dưới ánh trăng, đạo diễn yêu cầu Thanh Liên phải cười thật ngọt ngào. Khi tôi làm được điều đấy, ông không tiếc công khen ngợi. Cái may mắn của tôi và Tiến Lộc, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là phim cổ trang, không quá sướt mướt hay có những cảnh giường chiếu như phim hiện đại. Chúng tôi không quá khó khăn thể hiện những cảnh ôm nhau hay âu yếm nhìn nhau.
|
Thụy Vân, Tiến Lộc và diễn viên "nhí" Nguyễn Hoàng Nam (đóng vai Lý Phật Mã, con trai Lý Công Uẩn). Ảnh: H.H. |
- Bạn trai chị nói gì về những cảnh tình tứ này?
- Tôi giải thích với bạn trai, ôm thì ôm thế thôi anh ạ, bên trong em mặc bốn lớp áo còn anh Tiến Lộc mặc tới 7 lớp (cười to). Trước đó, tôi đã xác định tư tưởng trước cho người yêu rằng, tôi rất yêu thích bộ phim, mong muốn được thể hiện bản thân. Tất nhiên bạn trai tôi hiểu và ủng hộ. Có thể ban đầu anh cũng băn khoăn nhưng đấy là sự lo lắng cho tôi về sức khỏe hơn là ghen. Anh hiểu quyết tâm của tôi, mỗi lần gọi điện đều dặn dò: em cố gắng làm nhanh để về. Vì thế, không có bất cứ sự tranh cãi, giận dỗi nào trong suốt ba tháng trời. Trong thời gian đó, tôi không đồng ý cho anh sang thăm mình vì đường đến Hoành Điếm rất khó khăn.
- Bạn trai làm kinh doanh trong khi chị làm nghệ thuật. Hai người tìm tiếng nói chung với nhau thế nào?
- Trong quá trình tìm hiểu, cưa cẩm nhau, bất đồng hay không đã bộc lộ ra hết cả. Khi anh đến với tôi, tôi chưa thi Hoa hậu nhưng đã làm ở đài truyền hình 2 năm. Môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ cũng khiến mình khác hơn so với những người làm văn phòng. Anh hiểu tính chất công việc của tôi và mỗi việc tôi làm đều nhận được sự ủng hộ của anh bởi đơn giản, anh yêu và tin tôi rất nhiều.
Hiện chúng tôi cùng nhau chăm sóc cho công việc và tình yêu của mình. Cả hai đều mong muốn có một "happy ending" nhưng chưa có dự tính gì cụ thể. Nếu kết hôn, tôi buộc phải san sẻ vai trò của mình, con đường nghệ thuật sẽ gián đoạn một thời gian. Người bình thường mất 5 năm khẳng định mình, nhưng người có gia đình mất đến 7 năm thậm chí 10 năm. Nói hy sinh thì hơi quá, phụ nữ ngày nay không dừng ở việc chăm con và nội trợ, chỉ có điều không thể dồn hết cho tâm sức cho sự nghiệp. Quan trọng nhất là mình phải biết cách cân bằng. Hiện tại, bạn trai không can thiệp gì con đường sự nghiệp của tôi. Tôi tin sau này, anh ấy sẽ hãnh diện với những thành công của vợ mình.
Ngọc Trần thực hiện (Vnexpress)
|