Khi lãnh đạo đài Truyền hình Việt Nam quyết định xây dựng kênh truyền hình tương tác VTV6, Diễm Quỳnh đang là một trong những MC số một của VTV3. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Có người lại cho rằng chị muốn “làm sếp” nên mới về một kênh mới, nơi hiện giờ chị đang giữ chức Phó trưởng ban. Hẹn Diễm Quỳnh nhiều lần nhưng chị không ghé Sài Gòn, tôi đã phải bay ra Hà Nội.
Diễm Quỳnh phải rất tranh thủ để gặp chúng tôi, đúng tám giờ sáng, ngay tại quán cà phê trước cổng VTV. Gần 40 tuổi nhưng Diễm Quỳnh vẫn giữ được nét trẻ trung, sôi nổi và xinh đẹp. Chị giải thích đó là vì chị được làm việc với những người trẻ. Khi về nhà không nói chuyện với chồng về chứng khoán, kích cầu… mà chỉ nói về các chương trình và dự định của VTV6. Mặc dù chồng chị ít khi xem ti vi nhưng anh có những ý kiến đóng góp rất bổ ích. Chị kể, ngày đầu được tin qua VTV6, anh còn rất vui mừng vì vợ không đi công tác nữa.
Hãy nghe Diễm Quỳnh nói về giới trẻ, về những chương trình chị đang thực hiện.
VTV3 không có gì bất ổn
Tôi đã gắn bó với VTV3 mười năm, rất quen thuộc công việc. Đó là một guồng quay đều đặn nên ít khi có thể làm cho mình sốc hay lạ lẫm. Có những chương trình làm cả mười năm, có chương trình làm năm năm, dù thay đổi phiên bản mới thì cũng vẫn quen. Mọi người đều nói, để có một sự nghiệp tốt và cuộc sống công sở dễ chịu, không chỉ sếp mà đồng nghiệp cũng rất quan trọng. VTV3 cho tôi một không khí gia đình, sếp và đồng nghiệp quen thuộc đến độ biết tôi thích ăn món gì, đọc sách gì, gu quần áo như thế nào… Chúng tôi đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc cả năm trời cùng nhau nên coi nhau như anh chị em, cùng trong một cái “tổ”. Tất nhiên, khi ở trong “tổ” đã lâu, người ta thấy ngoài sự êm ấm, dễ chịu hơi lười biếng, còn được thêm cả hai chữ “an toàn”.
Vậy nên khi tôi quyết định sang VTV6, nhiều người hỏi ở VTV3 có điều gì bất ổn chăng? Không có gì bất ổn cả. Thậm chí anh Lại Văn Sâm còn nói: “Em phải lo giữ sức khỏe vì công việc vất vả hơn bên này. Anh rất lo cho sức khỏe của em, dù anh biết sang đó rất tốt vì em hợp với những ý tưởng của VTV6”. Ở VTV3, tôi làm mảng âm nhạc cho giới trẻ với thời lượng rất dày mỗi tháng, mỗi tuần. Vậy nhưng chương trình khán giả nhớ lâu lại là những chương trình tưởng niệm mà mọi người vẫn gọi vui là “cúng cụ”, như Huyền thoại Trường Sơn chẳng hạn.
Từ khi sang VTV6, tôi chưa được làm lại những show như thế, dù cơ hội vẫn có, quan trọng là cần đầu tư dày công. Ở đâu cũng vậy, lúc nào tôi cũng cố làm tốt việc của mình, chứ không phải vì để nổi tiếng. Nếu mỗi chương trình mình đều tâm huyết, người xem sẽ thích thú và quý mến thôi.
Bây giờ công việc ở VTV6 vẫn là phục vụ khán giả nhưng làm gián tiếp nhiều hơn lên hình. Thế cũng hay, tôi thấy thoải mái hơn. Tất nhiên được yêu mến và chú ý là một điều tốt, tôi rất cảm kích. Nhưng đôi khi cuộc sống riêng lại có thêm những ồn ào khó kiểm soát. Những đồn thổi Diễm Quỳnh bỏ chồng, bị bệnh hiểm nghèo… được đem ra bàn tán vô bổ mấy năm trước đã gây cho tôi không ít phiền hà.
VTV6 nấu những bữa ăn cho giới trẻ
Làm truyền hình cũng như làm đầu bếp. Khi bạn chuẩn bị bữa ăn cho khách, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để họ không đói xỉu sau một tiếng. Nếu chỉ lo bày biện sao cho xanh đỏ bắt mắt thì không ổn. Khi đã đặt cho mình một nhiệm vụ, một vai trò là đảm bảo cho người ta sức khỏe trong sáu tiếng chờ bữa ăn kế tiếp, chắc chắn sứ mệnh của bạn phải khác. Không thể cứ chiều ý khách ăn uống mãi những ly cocktail bảy màu hoặc trái cây, mình còn phải thuyết phục rằng họ cần cơm, bánh mì để đảm bảo cuộc sống. Họ cần ăn đủ đạm, sau đó cần vận động và làm việc để tiếp tục có tiền để ăn những bữa sau.
Bạn phải trử lời được câu hỏi: “Khách hàng đang muốn gì và cần gì?”. Thử gạch hai mươi đầu dòng: “Tôi muốn…” và từ đó khoanh ra những thứ: “Tôi cần…”. Bạn sẽ thấy cái mình cần ít hơn muốn rất nhiều. Thậm chí bạn sẽ tá hỏa lên khi cái “bạn cần” chưa nằm trong list “bạn muốn”. Sứ mệnh của một kênh truyền hình dành cho giới trẻ là gì? Nếu là làm cho mọi người ngạc nhiên, gây sốc, quan tâm lập tức, lúc đó ta cần thủ pháp “cocktail bảy màu”, trang trí thật đẹp cho mọi người thấy: “Ôi! Hay quá”. Nhưng sau đó không lâu mọi người sẽ bỏ đi nếu họ không tìm thấy “bánh mì”.
Sứ mệnh của VTV6 là làm một kênh truyền thông chính thống của Đài truyền hình Việt Nam, kênh trẻ của quốc gia. Nhiệm vụ của mình trước tiên phải là cần mẫn làm đủ “bánh mì” để phục vụ khán giả, đem lại những thứ họ cần. Bước thứ hai mới là chế biến cách nào để không chỉ những người đói lòng tìm đến mà những người đã no cũng cảm thấy bị hấp dẫn với những món ăn đó.
Nhiệm vụ đó phải được phân ra nhiều giai đoạn. Những khảo sát của chúng tôi về giới trẻ cho thấy, họ trả lời rất nhanh những điều mình muốn nhưng thường không trả lời được hoặc không chắc chắn họ cần gì. Trong khi đặt cùng câu hỏi này cho những người lớn hơn đang làm công tác quản lý, giám sát như các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo, họ nói rất nhanh giới trẻ bây giờ cần gì. Đấy cũng là một thử thách cho chúng tôi khi phục vụ đối tượng trẻ.
Khi đã rõ sứ mệnh của kênh, VTV6 sẽ phải đặt ra mục tiêu. Nếu mục tiêu của VTV6 là trong một năm chiếm lĩnh thị phần lớn, thu về những đơn quảng cáo lớn, mục tiêu đó sẽ giống rất nhiều kênh truyền hình mới mở khác hiện giờ. VTV6 quan niệm, đây là kênh dành cho giới trẻ. Nhưng sau này khi giới trẻ đó lớn lên vẫn có thể xem và gắn bó với VTV6 được. Đừng để cho một khán giả VTV6 năm trước còn bồng bột, hồn nhiên xem, năm sau lại bảo tôi trưởng thành rồi, không thích VTV6 nữa. Cũng như con gái tôi, năm nay học lớp năm, bảo sang năm con sẽ xem tờ báo khác, không xem Nhi Đồng nữa.
Chính vì thế, đối tượng khán giả ban đầu của VTV6 chỉ từ 15 đến 25 tuổi, giờ đã kéo lên tới 35 tuổi. Đơn giản vì giới trẻ lớn rất nhanh. Họ là học sinh, sinh viên, học đại học, sẽ ra trường đi làm và lập gia đình, có con cái, các nhu cầu phát sinh ngày một nhiều. Chính vì vậy, mình phải đồng hành với họ theo suốt chặng dài phát triển đó. Nội dung kênh sẽ phải là người 25 tuổi xem được và đến 35 tuổi vẫn xem được, tức là tìm ra mối quan tâm chung, chia sẻ những khó khăn chung.
Nghe mục tiêu đó có vẻ khó khăn, nhưng tôi phát hiện giới trẻ luôn hào hứng đến tuổi trưởng thành. Họ khao khát chờ mong sinh nhật 18 tuổi, thêm được làm người lớn. Vậy nên đừng nghĩ giới trẻ thích ô mai, lí lắc và phục vụ họ y như thế, họ sẽ chán rất nhanh. Lí lắc năm nay nhưng năm sau họ đã nghĩ khác rồi. Phục vụ đối tượng này là luôn trên một cỗ xe chuyển động rất nhanh. Nếu chúng ta dừng lại ở đúng một cái ga 17 tuổi thì không được. Vậy nên VTV6 có nhiều chương trình phục vụ những quãng tuổi khác nhau. Từ tuổi teen học trò đến sinh viên trong ký túc xá rồi hướng nghiệp, tìm việc làm, lập gia đình, xây tổ ấm, học làm cha mẹ VTV6 đồng hành với giới trẻ suốt những năm tháng họ lớn lên.
Xu hướng tự lập và phá bỏ không gian
Nhiệm vụ quan trọng của truyền thông là phát hiện ra xu hướng thậm chí đi tiên phong tạo ra xu hướng. Thường người ta nghĩ xu hướng là chỉ thời trang, ví như xu hướng năm nay là áo thụng, quần ngố, đeo kính to. Nhưng đó là từ “xu hướng” bị thời trang hóa, khiến ta nhầm đó là từ chỉ về quần áo, về những gì mang tính chất vỏ, nên gọi là “trào lưu” để chuẩn xắc hơn. Tôi quan niệm xu hướng phải mang tính “trào lưu” thì chuẩn xác hơn. Tôi quan niệm xu hướng phải mang tính chất nội tại, xuất phát từ nội tại, có thể bền lâu hơn trào lưu rất nhiều.
Ví dụ người trẻ hiện nay có xu hướng tự lập. Bạn nói trào lưu năm nay là màu tím và màu xanh, điều đó sang năm hoàn toàn có thể thay đổi. Nhưng xu hướng người trẻ sống tự lập thì không thời trang một chút nào. Nó ngấm vào máu và có thể theo suốt cho đến khi bạn già. Năm 20 tuổi chưa kết hôn nhưng bạn đã nghĩ đến chuyện ra khỏi nhà, kiếm tiền và nói với bố mẹ không phải nuôi mình nữa. Hai năm sau bạn sẽ vay tiền để mua một căn hộ bé xíu. Xu hướng đó ngày càng rõ trong giới trẻ.
Một xu hướng nữa là phá bỏ không gian. Hiện giờ mọi người quá thích internet vì nó phá hết những rào cản không gian. Giờ ngồi nói chuyện với nhau là một hình thức giao tiếp rất cũ, còn hình thức phổ biến nhất là chat, mail cho nhau. Hai người trong thành phố mail cho nhau chẳng khác gì mail cho một người ở Mỹ. Và cho đến già, bạn cũng sẽ không từ bỏ thói quen đó.
Xu hướng tự lập, phá bỏ không gian là những xu hướng không thể cưỡng lại được. Bạn có thể tìm được những người nói không thích tóc vuốt keo, nhưng không thể tìm được người nói không muốn phá bỏ không gian, không thích tự lập. Đã xác định xu hướng có tính chất biến đổi thói quen sống của cả một thế hệ như thế, khi làm truyền hình, mình không đi ngược lại những xu hướng đó thì mới không thất bại. Khi tôi ca ngợi những bạn trẻ một mình vươn lên thành đạt, ca ngợi những người có thể…
Mở công ty lớn từ năm 24 tuổi, đó cũng là ca ngợi một xu hướng. Mọi người chưa chú ý điều đó nên có người nói VTV6 “bôn bôn” thế nào ấy, hơi khó xem! Có thể cũng do chúng tôi thể hiện chưa được tốt, không có nhiều nơ, vỏ bảy màu, nhưng tư duy để làm nội dung thì VTV6 đang đầu tư rất nhiều.
MC: Suy nghĩ “dạo chơi” đã làm mờ đi ranh giới chuyên nghiệp
Khái niệm về sự gắn bó bây giờ kỳ lạ lắm. Ngày xưa, sự gắn bó là chung thủy, bên nhau, bất biến. Bố mẹ mua tivi là cả nhà ngồi xem, đó cũng là phương tiện kéo mọi người lại với nhau. Giờ ti vi đã trở thành thứ nhu cầu khi người ta dùng nó. Thế hệ chúng tôi có Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Diễm Quỳnh, Anh Tuấn… là thế hệ may mắn, thế hệ được yêu mến lâu. Thời kỳ đó cả nhà ngồi xem ti vi, chúng tôi lên hình có thể trang điểm sơ sài, không áo quần thời trang, ăn nói ngượng nghịu nhưng làm việc hết mình. Vậy nên cả nhà ngồi xem và cả nhà nhớ tên, yêu mến. Còn các MC trẻ bây giờ có nhiều điều kiện hơn, trang bị phụ kiện đầy đủ quá nhưng các bạn chỉ chú ý lên hình có đẹp không, hấp dẫn không mà chưa dành hết tâm sức cho kịch bản.
Trước đây, khi làm MC, tôi rất sợ bị chê mình làm không tốt, rất xấu hổ khi ngồi dựng băng thấy mình nói chán, tự nhủ lần sau sẽ không thế nữa hoặc thậm chí lật đật đi làm lại. Còn các bạn MC bây giờ làm truyền hình cũng không trọn vẹn quỹ thời gian, có khi không phải làm kịch bản, không phải dựng hậu kỳ, không xem cả chương trình mình làm.
Bên cạnh đó, các bạn còn tham gia thêm cả những việc khác như đóng phim, quảng cáo, chụp ảnh, ca hát… Họ suy nghĩ nếu công việc MC làm không tốt thì bỏ, coi như dạo chơi. Các suy nghĩ “dạo chơi”, thử sức đã làm mờ đi ranh giới chuyên nghiệp. Tất nhiên vẫn có những người đắm đuối với nghề nhưng họ cũng gặp phải khó khăn là khán giả bây giờ quá bận rộn, không còn là khán giả của mười năm trước nữa và để chinh phục được họ quá khó khăn.
Nỗi ám ảnh thế hệ trẻ và già
Ngày xưa không có điện thoại di động, buổi chiều tan tầm tất cả thành viên gia đình đều phải gặp nhau ở nhà để nói chuyện. Khi có di động rồi, bạn có thể nói chuyện với bố mẹ khi không về nhà hay đang đi công việc. Mối quan hệ gia đình lỏng đi ở một khía cạnh nào đó, nhưng bù lại nó cũng cho ta nhiều điều kiện hơn để thắt chặt. Ví dụ như khi có Internet, webcam, dù bạn đi du học, bố mẹ vẫn có thể quan tâm đến bạn như ở nhà. Quan trọng là giới trẻ chú ý củng cố mối quan hệ nào. Có bạn trẻ nọ thấy dạo này gia đình mình không ổn lắm, bạn có nhiều cách để cải thiện điều đó bằng việc đợi cả nhà cùng nhau ngồi xem tivi. Giờ người trẻ tự quyết định nhiều thứ. Trước đây không gian và thời gian quy định họ. Giờ họ đã chế ngự được không gian, thời gian.
Chúng ta nói nhiều về ưu điểm của giới trẻ, nhưng nguy cơ của người trẻ thích tự lập là gì? Đó là các bạn chưa thể biết cái mình thích có phù hợp với mình hay không? Thí dụ bạn lao vào làm báo từ khi còn là sinh viên, rất may mắn bạn có thể làm báo được, còn người khác chọn thứ khác không phù hợp thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu như họ làm một việc mà họ không có khả năng hoặc tệ hơn, bị pháp luật ngăn cấm? Chính vì thế, giới trẻ cần những người trưởng thành hơn hướng dẫn. Xu hướng tự lập đôi khi gây cho người trẻ sự lạc lối, nhầm lẫn hay adua, bắt chước. Người ta thích gọi đó là sai lầm, nhược điểm, tội lỗi. Còn tôi nghĩ đó là những điều chưa hoàn thiện mà thôi.
Ai cũng bảo người trẻ bây giờ sống gấp hơn, khiến cho những người đi trước lo lắng. Một thực tế là nguy cơ phạm tội đang báo động, xuất phát từ hai xu hướng tự lập và phá bỏ không gian. Một tài năng về công nghệ thông tin có thể phạm tội nếu như không hiểu biết về pháp luật. Lúc họ đứng trước vành móng ngựa, các bạn trẻ khác lại nghĩ rằng hóa ra giỏi công nghệ thông tin cũng chỉ đi tù, điều đó hoàn toàn sai lầm…
Các bạn trẻ thiếu quá nhiều kỹ năng sống, kiến thức xã hội, mà những chương trình kỹ năng sống, kiến thức xã hội, mà những chương trình kỹ năng sống, phổ biến kiến thức pháp luật lại khó hấp dẫn họ. VTV6 phải từng bước làm được nhiệm vụ khó khăn đó. Giới trẻ phải được hướng dẫn để tự lập cho đúng, làm thế nào tự cân bằng trong một không gian đã xóa bỏ rào cản bây giờ.
Chúng ta bàng hoàng trước tỷ lệ phạm tội của các bạn trẻ có tri thức hiện nay. Thế mới thấy, tri thức không phải là tất cả. Bản thân con người cần cả đạo đức nữa. Cứ nói đi học là phải đạt điểm thật cao, trong khi bố mẹ lại thường không quan tâm con mình có đủ những kỹ năng ứng xử, có đủ đạo đức sống hay chưa.
Ngày xưa, chúng tôi vẫn tự hào thế hệ 7X êm đềm, không có net, không có game. Bố mẹ dành cho con cái rất nhiều thời gian. Giờ bố mẹ tuổi 30 – 35 cũng tự lập, bận rộn, cũng Internet phá bỏ không gian và con cái cũng thế. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi sát thủ máu lạnh toàn học đại học hoặc lớp 12. Việc có bằng đại học, học lớp 12 hoặc giỏi vi tính không chứng minh người đó có đạo đức hay không. Và VTV6 lại phải nghĩ đến những chương trình bàn luận về điều đó.
Theo Herworld
|