Nhà thơ Dương Kỳ Anh - Cha đẻ của cuộc thi HHVN chỉ theo dõi cuộc thi HHVN năm nay giống như một khán giả. Trong vai trò Trưởng Ban tổ chức, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã 11 lần tự tay trao vương miện cho người đẹp đăng quang Hoa hậu Việt Nam (HHVN), nhưng năm 2010 này, ông chỉ còn theo dõi cuộc thi giống như một người bình thường, thậm chí không có mối liên hệ nào với Ban tổ chức nữa.
Không liên quan đến Hoa hậu nữa, nhẹ cả người!
Được coi là cha đẻ của các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tuy nhiên năm 2010 này, ông không còn làm Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo nữa. Cảm xúc của ông thế nào?
- Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam gắn liền với báo Tiền phong đã 22 năm rồi, tôi không làm nữa thì lãnh đạo báo tiếp tục tổ chức thôi. Nói thật, không còn liên quan gì đến cuộc thi Hoa hậu, tôi nhẹ cả người. Làm Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo rất vất vả, mệt mỏi. 20 năm như vậy với mình là quá đủ rồi.
Liệu thật tâm ông không muốn dính dáng gì đến Hoa hậu Việt Nam hay đó chỉ là lời nói của một người vốn đong đầy cảm xúc khi nhìn đứa con khôn lớn không cần đến “người cha đẻ” nữa?
- Là tôi không tham gia trực tiếp vào bất cứ cương vị nào trong cuộc thi, chứ không phải một sự tuyệt tình với đứa con mình đã sinh ra và nuôi lớn. Tuy nói rằng không làm Hoa hậu nữa là nhẹ cả người, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi từng bước đi của HHVN.
Dù không tham gia bất cứ vai trò nào trong cuộc thi nữa, tôi vẫn muốn đứng đằng sau giúp đỡ, chỉ bảo cho Ban tổ chức làm tốt hơn - nếu Ban tổ chức cần tham khảo ý kiến.
Và khi có điều gì đó xả̉y ra với các Hoa hậu tôi vẫn buồn lắm chứ!
Vậy chắn hẳn cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, ông làm “quân sư” cho Ban tổ chức ở hậu trường rồi?
- Đối với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, tôi chỉ theo dõi như một người bình thường thôi. Năm nay, Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam và tôi không có mối liên hệ nào trong chuyện tổ chức cuộc thi. Tôi chỉ nhận lời giúp đỡ, tư vấn cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt vì họ rất tận tình, đến tận nhà hỏi tôi về những thứ liên quan.
11 lần tự tay trao vương miện cho người đăng quang Hoa hậu, nhưng trong lần thứ 12, người làm công việc quan trọng đó không phải là ông. Có thời khắc nào ông cảm thấy chút chạnh lòng?
- Tôi thấy bình thường, không có vấn đề gì cả. 11 lần trao vương miện, như thế là quá nhiều rồi.
Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Một người gắn với nhiều phụ nữ đẹp như ông lại càng dễ mắc phải điều đó?
- Nhờ trời mình vẫn là mình. Nếu đánh mất mình, tôi không còn là tôi như bây giờ nữa. Báo chí không còn gọi tôi là “cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”. Thiếu sót thì có thể, nhưng sai lầm lớn thì thực sự chưa.
Đạo Phật dạy: “Món nợ lớn nhất đời người là ân nghĩa”. Món nợ này của ông với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải hiểu ra sao?
- Khi con cái 20 tuổi thì làm cha phải vui chứ. Tôi thanh thản như một người cha, thấy con khôn lớn, trưởng thành. Con cái lớn khôn rồi, nó trở thành người của xã hội. Sinh con ra, không thể nói là bố - con phải mắc nợ và trả nợ cho nhau. Tôi không còn vương vấn gì nữa. Hoa hậu Việt Nam tổ chức tốt đẹp, tôi mừng; ngược lại, tôi buồn. Thế thôi!
Báo chí không còn gọi tôi là “cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”. Thiếu sót thì có thể, nhưng sai lầm lớn thì thực sự chưa.
|
Rời vị trí Tổng biên tập báo Tiền Phong, ông tiếp tục giữ một vai trò khác là Chủ tịch Hội đồng Biên tập một tờ báo điện tử. Tại sao sau nhiều năm cống hiến, ông không nghỉ ngơi mà lại tiếp tục dấn thân vào công việc?
- Đó cũng là một cách nghỉ ngơi thôi! Làm ở đây, tôi không vất vả như hồi ở vị trí cũ. Với cách làm việc của báo điện tử, tôi sẽ thấy mình trẻ trung, năng động hơn. Hơn nữa, theo tôi thấy, xu thế tương lai của báo chí thế giới là báo điện tử và truyền hình.
Được xã hội ghi nhận ở các cương vị khác nhau như Nhà thơ, Nhà báo, "cha đẻ Hoa hậu Việt Nam", ông thích người ta gọi mình là gì?
- Dù là “nhà gì” đi chăng nữa, quan trọng nhất là bản thân đã làm được những việc gì có ích cho xã hội. Tôi vẫn thích được gọi là Nhà thơ, vì làm thơ từ thuở thiếu niên. Tôi đã in ba tiểu thuyết là Xuyên Cẩm, Thổ Địa, Cõi Ta Bà, nhiều tập truyện và hàng nghìn bài báo, nhưng gọi tôi là nhà thơ là “đúng chất” nhất.
“Chúng ta thường vấp ngã trên đường bằng”
Nhìn lại thời gian làm Trưởng Ban tổ chức cuộc thi sắc đẹp danh tiếng nhất Việt Nam, ông thấy mình được gì và mất gì?
- Chuyện được mất, nói ra vô cùng lắm. Tôi chỉ biết rằng, cả đời luôn đi tìm cái đẹp trong cuộc sống, không tìm cái đẹp trong các cuộc thi Hoa hậu nữa, tôi đi tìm cái đẹp trong thi ca, tiểu thuyết và cả làm báo.
Ông nói gì về “cú ngã” cuối đời của mình - một cú ngã vì cái đẹp?
- Nói là vấp ngã thì cũng không đúng, loạng choạng càng không phải, đúng hơn 2 từ: vấp váp. Và dù có vấp váp, tôi vẫn phải bảo vệ đến cùng cái đẹp và bây giờ tôi thấy mình bảo vệ đúng đấy chứ?!
"Con người chúng ta thường ngã trên đường bằng, chứ ít ai ngã trên đường dốc, vì đường dốc, chúng ta đi cẩn thận lắm".
|
Thường thì con người ta chỉ vấp váp khi non nớt kinh nghiệm, đằng này….
- Con người chúng ta thường ngã trên đường bằng, chứ ít ai ngã trên đường dốc, vì đường dốc, chúng ta đi cẩn thận lắm. “Đường bằng mới ngã lạ chưa, đường gập ghềnh cũng chẳng lừa được chân”.
Khi có những chuyện không hay xảy ra với các Hoa hậu, tâm trạng của ông ra sao?
- Tôi lo lắng và luôn có ý giúp, nếu họ cần tới tôi. Trên đường đời, Hoa hậu khó tránh được những sai sót, nhầm tưởng, không may.
Cái lầm tưởng đáng sợ nhất của một Hoa hậu, theo ông là gì?
- Đó là việc cô ấy nghĩ mình là Hoa hậu thì mọi người phải đối xử thế này, thế khác mà không hiểu, khi là người của công chúng luôn bị soi xét, để ý. Từ một người phụ nữ bình thường, đăng quang có danh phận, phải biết giữ lấy danh phận đó, mọi sự đòi hỏi quá đáng đều rất nguy hiểm.
Một cô gái đăng quang Hoa hậu, liệu đó có phải là người hoàn hảo nhất của nhan sắc Việt?
- Ở đời chẳng điều gì là hoàn hảo cả. Tôi từng viết một bài báo về “Tượng thần Vệ Nữ bị ghẻ” để nói lên rằng, ở đời, không có gì tuyệt đối và 100% hoàn mỹ. Người đẹp đăng quang Hoa hậu từ trước tới nay luôn phải có vẻ đẹp hài hoà về tâm hồn, ngoại hình.
Như tôi nói từ đầu, chúng ta tổ chức cuộc thi sắc đẹp, đương nhiên, việc đầu tiên phải thi hình thể. Chúng ta không thi đường lên đỉnh Olympia, cũng không phải thi học sinh giỏi. BTC không đặt ra tiêu chí người đăng quang Hoa hậu phải là người thông minh nhất trong cuộc thi.
Vẫn biết rằng con người ai cũng có thiếu sót, tuy nhiên thiếu sót không thể tha thứ của một Hoa hậu sẽ là gì, thưa ông?
- Là người ấy dùng danh nghĩa Hoa hậu vào những việc vụ lợi cho bản thân, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Hoa hậu cần phải biết giữ gìn hình ảnh của mình. Hoa hậu phải thay đổi tốt lên chứ xấu đi thì thật đáng buồn.
Theo VTCnews
mcvietnam.net
|