Vì sao Xuân Bắc – Tự Long lại được lòng con nít đến vậy? Hai nghệ sĩ đã chia sẻ những buồn vui trong nghề cũng như quan điểm về dạy con và làm nghệ thuật cho trẻ em.
Xuân Bắc: Tự tin khai thác thế mạnh
Hồi nhỏ, Xuân Bắc mơ ước lớn lên trở thành phi công, có thể bay khắp bầu trời, chu du thiên hạ. Cũng bởi chưa bao giờ nghĩ sẽ dấn thân vào nghệ thuật nên con đường đến với showbiz của anh khá đơn giản và phát triển tự nhiên… như cây cỏ vậy. Tốt nghiệp THPT tại Việt Trì (Phú Thọ), Xuân Bắc thì đỗ vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Ra trường anh đầu quân về Nhà hát Kịch Việt Nam. Giữa cuộc sống khó khăn ở Thủ đô, anh chưa bao giờ toan tính cần làm gì để có thể tồn tại.
Xuân Bắc quan niệm: “Đừng bao giờ tự ti, buồn phiền rằng mình là dân tỉnh lẻ, khó có thể trụ lại với thành phố. Hãy chứng tỏ bạn làm được điều gì chứ không phải bạn xuất xứ ở đâu. Xuất xứ, có thể phần nào tác động đến môi trường sống, nhưng nó không phải là thước đo giá trị của con người”. Chính nghị lực, phong cách sống đĩnh đạc đó tạo nên một Xuân Bắc mạnh mẽ, luôn điềm tĩnh, nở nụ cười tươi trước sóng cuộc đời.
Thành công với vai trò MC của nhiều chương trình, tên tuổi gắn với hài kịch nhưng Xuân Bắc nói chưa bao giờ có khái niệm bản thân là một diễn viên hài kịch hay bi kịch. Với anh, nghệ thuật không bạc tới mức tối về nằm ngủ vắt tay lên trán suy nghĩ xem từ mai mình phải diễn hài kịch, bi kịch hay diễn cho thiếu nhi để hút khách. Theo Xuân Bắc, mỗi diễn viên đều có một thế mạnh riêng, người khôn khéo luôn biết khai thác lợi thế của mình.
Luôn xuất hiện trước công chúng với khuôn mặt cười, áo quần lòe loẹt, Xuân Bắc tạo cho khán giả cái cảm giác, trong anh niềm vui luôn ngự trị. Ít ai hiểu rằng, anh cũng có những tâm sự luôn đau đáu trong lòng. “Nghệ sĩ cũng là người bình thường chứ không phải ông bụt bà tiên hay người ngoài hành tinh nên vẫn có những cung bậc tình cảm như mọi người, vẫn có những băn khoăn, trăn trở với nghề. Tôi vui khi tiết mục biểu diễn được khán giả vỗ tay đón nhận và buồn những lúc diễn không như ý muốn. Thậm chí, nhói lòng khi diễn hài mà khán giả ở dưới nhấm hạt dưa tí tách, diễn bi mà mọi người cười hơ hớ thay vì đồng cảm với nhân vật”.
Nhưng với Xuân Bắc, tất cả khó khăn, buồn phiền của sự nghiệp diễn đều mau chóng tan biến. Bởi hơn hết anh luôn coi trọng nghề nghiệp của mình. Anh chưa bao giờ coi nghệ thuật là một món hàng đặc biệt dễ kiếm tiền để đánh đổi mục đích sống, lương tâm nghề nghiệp. Anh tuyệt đối tuân thủ giá trị sống của mình, tự nhận mình là người hơi bảo thủ và cổ điển. Bằng chứng là năm nào cũng ăn Tết ở quê. Hơn nữa, anh luôn cố gắng xây dựng hình ảnh người đàn ông trụ cột trong gia đình theo đúng nghĩa: Khỏe hơn vợ về cơ bắp, tháo vát hơn vợ trong xử lý tình huống, quan hệ xã hội, kiếm tiền tốt hơn vợ.
Không bắt con phải học giỏi
Khi được hỏi về cách giáo dục con, Xuân Bắc thẳng thắn: “Với con, chắc chắn tôi sẽ có cách giáo dục hợp lý, tất nhiên là dưới sự nhất trí của cả hai vợ chồng. Hiện giờ, con tôi còn nhỏ nhưng sau này, khi cháu lớn hơn, tôi sẽ không bắt buộc cháu phải đạt học sinh giỏi, không bắt con môn toán phải được điểm 10, môn văn phải được điểm 9, mà cái chính, tôi sẽ rèn cho con nề nếp gia phong trong cách sống. Nếu con giỏi cái gì thì cứ luyện tập cái đó, để tránh tình trạng một người giỏi bốc thuốc lại cho đi làm vi tính, giỏi khoa học lại bắt làm đồ gốm và đóng gạch”.
Tự Long: Nhiều lúc phải đóng kịch với chính mình
Tự Long bộc bạch, nhiều người vẫn nghĩ gia đình một nghệ sĩ hài chắc phải vui vẻ, hạnh phúc lắm, vợ con kiểu gì mà chẳng được “hưởng” tiếng cười từ anh. Với người ngoài, nghệ sĩ không bao giờ nói chuyện với bản mặt cau có, buồn chán, hay thiếu sự thiện cảm. Họ lúc nào cũng thấy một Tự Long vui vẻ, hài hước, nhưng thực sự, nhiều lúc anh cũng phải đóng kịch với chính mình, với mọi người. Để rồi, nỗi bực dọc, ưu phiền và áp lực công việc, mang về ném cả vào gia đình…
Đằng sau sự thành công của anh, gia đình đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Bố mẹ, vợ con hầu như không nhận được sự quan tâm như ngày xưa, khi anh chưa nổi tiếng. Dịp lễ Tết, vợ chồng, con cái người ta được quây quần vui chơi, thì Tự Long lại bận bịu đi diễn tối ngày. Anh tự nhận mình là người “tham công tiếc việc” nhưng thật may, Tự Long có được một người bạn đời yêu, hiểu anh nên không bao giờ phàn nàn về “khoảng trống” của người chồng, người cha trong gia đình…
Tự Long chia sẻ vào những ngày lễ như mùng 8/3 hay 20/10, nhiều khi anh phải mua quà cho vợ trước tới…10 ngày vì sợ quên, hoặc không có thời gian để làm những việc đó. Buổi sáng thức giấc đi làm, con đang ngủ. Buổi tối trở về thì con đã say giấc. Có khi cả tuần chỉ ăn cơm ở nhà 1, 2 bữa là chuyện thường.
Con trai anh, dù mới chỉ học mẫu giáo nhưng ngày nào cũng gọi điện nhắc “Bố về với con!”, cứ như lâu lắm không gặp bố. Anh rất thương con vì thấu hiểu cảm giác xa cha mẹ khổ như thế nào. Anh ngày trước cũng vậy, xa cha mẹ từ khi mới 9 tháng tuổi. Bố mẹ anh là diễn viên quan họ, bận đi diễn triền miên, nên anh phải ở nhà bà nội.
Thế nên, những lúc anh rảnh rỗi ở nhà, thằng bé không chịu đi học, chỉ thích chơi với bố. Chiều con, anh luôn tranh thủ đưa con đi công viên, hay rong ruổi hết nơi này đến nơi khác. Cảm giác được gần con giúp anh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, để tiếp tục lăn lộn với nghề.
Dù được coi là một trong những nghệ sĩ hài thành công nhưng Tự Long vẫn chỉ nhận mình là nhà quê giữa đời thường, một anh chàng “bắng nhắng” trong hài kịch. Điều hạnh phúc nhất đối với Tự Long không phải danh tiếng hay tiền bạc mà đơn giản hơn đó là khán giả hâm mộ, gọi trìu mến “ Người của công chúng”. Anh mong muốn mình sẽ sống trên sân khấu thật lâu, thật dài.
Có được “thương hiệu” Tự Long như ngày hôm nay, anh đã phải đi lên từ con số 0 tròn trĩnh. Trước khi được khán giả quen mặt nhớ tên trên sân khấu hài, anh chỉ được “mời” vào vai những “bóng người vật vờ” chạy qua sân khấu. Ai bảo đi diễn làm vai quần chúng, vai phụ anh cũng chẳng nề hà, không nghĩ đến chuyện vai diễn sẽ được thù lao bao nhiêu. Tự Long cứ từ từ đi lên như thế, cho tới tận bây giờ. Nếu không ít người nhanh chóng nổi tiếng nhờ công nghệ lăng-xê, qua một vài bộ phim, thì anh phải mất 7 năm lăn lộn vời nghề mới có được chút danh.
Anh quan niệm: “Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, điều đó tạo nên tính cách và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Tôi tin mình là một người có vốn sống, chịu được những va chạm, quăng quật trong cuộc đời”.
Thuộc quân số của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần từ năm 1999, để làm tốt công việc “bên trong lẫn bên ngoài”, Tự Long lúc nào cũng phải căng mình ra như sợi dây. Có những hôm anh chạy sô, diễn tỉnh tới 1,2 giờ sáng mới về, chưa kịp ngủ no giấc, thì hôm sau, đúng 7h30 đã phải có mặt tại cơ quan. Mệt mỏi, căng thẳng nhưng làm ngoài, có đồng ra đồng vào, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Chạy đua với thời gian, tri thức để gần gũi trẻ em
Tự Long khi nói về cái duyên với các em nhỏ, anh bộc bạch: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi có thể tự tin nói rằng, Tự Long đã có chỗ đứng trong lòng các em nhỏ từ lâu rồi. Diễn hài cho các em ngoài cái duyên là chuyện đương nhiên nhưng cũng cần có sự đầu tư “ra tấm ra món” chứ không được tung chiêu theo kiểu hút khách, làm ăn chộp giật”.
Diễn hài cho trẻ con vừa khó vừa dễ. Trẻ con yêu ghét rõ ràng, chứ không lẫn lộn. Hơn nữa, trẻ cũng dễ cảm hóa hơn, chỉ cần một hành động đẹp, cử chỉ mang tính giáo dục là các cháu nghe theo. Vì vậy, trong khi xây dựng chương trình cho thiếu nhi, chúng tôi luôn cố gắng để có một kịch bản mang tính giáo dục, hướng các em tới chân thiện mỹ. Từ những việc nhỏ như dạy đánh răng, rửa mặt... cho tới yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với bạn bè. Tôi thì mỗi năm một già đi, các em thiếu nhi lại lớn lên, lại thêm lớp khác ra đời và hơn hết, các em ngày càng thông minh hơn. Vì thế, tôi luôn phải chạy đua với thời gian, tri thức để luôn cập nhật, gần gũi được với các em”.
Theo Thế giới phụ nữ
|