Xin chào chị Hoài Anh. Nếu nói về ấn tượng đầu tiên khi bắt đầu vào nghề truyền hình, chị sẽ nghĩ về hình ảnh nào đầu tiên?
- Lần đầu tiên khi bước chân vào làm ở Đài truyền hình, mình là một cô sinh viên mới ra trường, mới nhận được một công việc ổn định, công việc văn phòng. Lúc đó, do chưa biết gì về truyền hình nên mình cũng chưa biết làm gì cả. Đó là cảm giác đầu tiên của Hoài Anh khi bước vào truyền hình.
Và cơ duyên nào đã đưa chị đến với truyền hình?
- Ngày đó có một người nói với Hoài Anh là Đài truyền hình đang có cuộc thi tuyển MC và nói mình thi thử đi. Hoài Anh rất bỡ ngỡ, vì chính mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó cả.
Lúc đó truyền hình là một cái gì đó rất xa vời với Hoài Anh. Không hiểu vì sao bạn mình lại nói như vậy, nhưng Hoài Anh vẫn quyết định thi thử. Lúc đi thi cũng trải qua mấy vòng mới đỗ, đó cũng có thể coi đó là một cơ duyên bước vào một nghề rất thú vị, hấp dẫn.
Như vậy, chị đến với nghề trong tư cách là một người ngoại đạo, vậy chị bắt đầu những bài học đầu tiên trong nghề như thế nào?
- Bài học đầu tiên đến từ những cái nhỏ nhất như làm trợ lý cho một ê-kíp sản xuất chương trình, là photocopy kịch bản hay phụ trách khách mời…, những công việc thoạt nghe thì không có gì liên quan đến truyền hình nhưng từ những công việc nhỏ đó, Hoài Anh đã dần dần có kinh nghiệm.
Chị đã học hỏi được những gì từ đồng nghiệp đi trước?
- Từ khi còn nhỏ xem ti vi, một cách vô thức Hoài Anh cảm nhận được công việc của các cô chú trên truyền hình, và mình ngưỡng mộ họ, hình dung được về phong cách làm việc của các cô chú. Ví dụ như NSƯT Kim Tiến.
Tôi với cô Kim Tiến rất ít gặp nhau, nhưng cũng đã có dịp cô cháu gặp nhau vài lần và hai cô cháu trò chuyện như đã thân nhau rất lâu rồi. Từ những phút đầu tiên gặp nhau, cô đã có những lời động viên và khuyên bảo rất sâu sắc, chỉ qua vài lần gặp gỡ thôi nhưng mà tôi đã có thêm được rất nhiều kinh nghiệm.
Tôi cũng thay mặt giới trẻ đang làm trong truyền hình hiện nay cảm ơn cô và những cô chú đi trước từ những ngày đầu rất khó khăn của truyền hình Việt Nam đã tạo nên một truyền thống rất tốt đẹp mà bây giờ tuổi trẻ chúng ta nghĩ lại đôi khi khó hình dung được.
Các bạn trẻ thường nhìn truyền hình với rất nhiều hào quang như là được lên hình, được nổi tiếng. Chị có thể chia sẻ với khán giả về thực tế công việc này?
- Hoài Anh cũng chỉ xin phép được chia sẻ trong lĩnh vực dẫn chương trình của mình thôi. Cái khó khăn của người dẫn chương trình đó là cách diễn đạt. Đôi khi, mình cảm nhận được những điều mình nói ra, nhưng làm sao để người khác cũng cảm nhận được giống như mình thì đó là một khó khăn rồi.
Riêng với việc dẫn bản tin, vì bản tin được truyền trực tiếp, đôi khi có một tin nóng đưa đến trước một vài phút, chúng ta không được chuẩn bị trước, vì vậy khi dẫn mình phải vừa nói, vừa thẩm định thông tin, và sửa chữa kịp thời nếu có sai sót.
Thời điểm này, các khán giả thấy chị Hoài Anh lên hình liên tục: khi thì làm BTV của bản tin thời sự 19h, khi thì làm MC của chương trình giao lưu trực tiếp, vậy thì chị có thể chia sẻ những thách thức lớn nhất trong nghề là gì?
- Thách thức lớn nhất của người dẫn chương trình mà đặc biệt là bản tin thời sự, như là công việc Hoài Anh đang làm, đó là làm sao để khán giả không nhàm chán.
Công việc của mình thì mọi người thấy ngày nào cũng giống ngày nào, một cách thể hiện, một cách lên hình như vậy thôi. Làm sao để luôn luôn tạo cho khán giả một sự hào hứng đón chờ, một cảm giác mới mẻ. Vậy thì mình phải đưa vào nội dung từng thông tin cũng như cái cách thể hiện của mình một cách chừng mực, tự nhiên, nhẹ nhàng có cảm xúc thì khán giả sẽ đón nhân dễ dàng hơn.
Rất nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu: một MC dẫn chương trình truyền hình trực tiếp thì sẽ phải chuẩn bị những gì trước khi lên hình. Vậy thì chị có thể chia sẻ công việc hậu trường này với khán giả?
- Để chuẩn bị cho một chương trình truyền hình trực tiếp, chắc chắn là chúng ta phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước về khâu kịch bản cũng như gặp gỡ nhân vật, nếu chương trình có những phần giao lưu với khách mời.
Ngoài ra, tôi nghĩ là không chỉ chuẩn bị trước mà ngay cả trong chương trình, việc chuẩn bị về tâm lý, tinh thần cũng rất quan trọng. Bởi vì ngay cả khi bạn chuẩn bị kịch bản rất kỹ từ trước nhưng khi lên sân khấu, bạn cũng không thể thoát khỏi sức nặng của tâm lý, và làm sao để giải tỏa được tâm lý thì đó tùy thuộc vào bản lĩnh của người dẫn chương trình.
Hoài Anh đã gặp phải tai nạn nghề nghiệp nào đáng nhớ chưa ạ?
- Có lẽ tôi nhớ cái sự cố cũng là ngày đầu mới vào nghề, mình chưa quen một cái gì cả, đứng trên sân khấu mà cảm thấy từng hơi thở, cử động của mình khán giả đều có thể cảm nhân được cho nên rất là run, nên lúc đó mình bị cứng đơ, không còn tự nhiên nữa.
Lần đó là lần đầu tiên tôi được lên sóng truyền hình trực tiếp. Bình thường máy quay sẽ có một cái đèn đỏ để khi nào đèn sáng thì báo hiệu là đang lên hình, lúc đó sẽ bắt đầu nói. Hoặc là sẽ có một cách khác là quay phim sẽ phất tay.
Lần đó, không hiểu do căng thẳng hay như thế nào, tôi chuẩn bị rất kỹ, nghĩ trong đầu rằng là chỉ cần hô nói là nói y như kịch bản, nhưng mà chờ mãi không thấy quay phim phất tay.
Sau một hồi sau không thấy đạo diễn hô cắt, quay phim và đạo diễn ở đầu cầu đó, hôm đó là cầu truyền hình, thì đạo diễn hô: “Thôi khỏi xong rồi”. Tôi mới hỏi thực ra là có chuyện gì, thì đạo diễn nói rằng: “Từ nãy giờ em lên hình mà em có nói gì đâu, em cứ đứng đơ ra như thế cho nên phải chuyển sang đầu cầu khác”. Tôi mới hiểu là hôm nay quay phim không phất tay, có lẽ anh cũng quên mất tôi là “lính mới” cho nên không phất tay ra hiệu mà chỉ có lên đèn đỏ thôi.
Trong cuộc bình chọn “Người dẫn chương trình được yêu thích” năm 2008, khi đó chị Hoài Anh chỉ mới dẫn chương trình thời sự được 2 tháng thôi, nhưng đã dành số phiếu đứng thứ 2 chỉ sau biên tập viên Quang Minh. Năm 2009, chị Hoài Anh đã đạt hai giải là người dẫn chương trình được yêu thích nhất do khán giả bình chọn và giải của Hội đồng thẩm định. Điều gì đã giúp chị có những thành công này?
- Có lẽ là những nhận xét của khán giả và hội đồng bình chọn. Riêng tôi có một cảm nhận trước mỗi ngày lên sóng: đó là không được để sai sót, làm sao để làm tốt nhất công việc của mình.
Tôi rất yêu công việc này, tôi yêu cảm giác được trò chuyện với quý vị khán giả, tôi yêu từng con chữ mà mỗi một ngày tôi soạn khi biên tập, tôi hồi hộp khi đến giờ lên sóng được nói câu: “Xin kính chào quý vị khán giả đến với chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam”.
Từ những điều rất nhỏ đó, mình cảm thấy hạnh phúc khi được làm, bên cạnh đó là sự phối hợp của cả một ê-kíp làm chương trình. Khi quý vị nhìn thấy tôi thì đằng sau tôi có hàng chục người, các anh chị đang trợ giúp cho tôi để bản tin được gửi tới quý vị khán giả được thành công.
Hiện nay có nhiều bạn trẻ mong muốn được thử sức trong lĩnh vực truyền hình, vậy chị sẽ nhắn gửi gì đến những ước mơ này.
- Những ước mơ mà các bạn đang có là những ước mơ rất đẹp, riêng về ngành truyền hình thì tôi rất ủng hộ và vui mừng được chào đón những gương mặt mới, các bạn trẻ đóng góp cho Đài truyền hình Việt Nam.
Tôi nghĩ, trước tiên các bạn phải yêu thích nó. Sau đó là bạn nhận thấy mình có năng khiếu hay không và tiếp theo là phải có tinh thần cầu tiến, không nản chí. Bởi vì chắc chắn những ngày đầu của các bạn sẽ không kém phần khó khăn. Nếu các bạn vượt qua điều đó có nghĩa là các bạn đã bước chân vào truyền hình, tồn tại và phát triển trong môi trường rộng mở nhưng đầy thử thách này.
Cảm ơn Hoài Anh về cuộc trò chuyện rất thú vị ngày hôm nay.
Theo VTV