MC Mỹ Linh
Trong phòng khách ấm cúng của nghệ sĩ nhân dân Đình Quang vẫn để cây đàn piano mà ông mua cho con gái Mỹ Linh khi cô vừa tròn 6 tuổi.
Cây đàn có cùng năm sinh với con gái mà món quà mà ông đã cùng bạn bè lặn lội, mua lại được của một đơn vị bộ đội.
Gần 40 năm, cây đàn vẫn đen bóng như mới. Còn hơn một tài sản quý giá, cây đàn như nhân chứng của biết bao thay đổi trong cuộc đời cô út Mỹ Linh, dù cô bỏ dở việc học đàn và cũng không tiếp bước nghề đạo diễn sân khấu của bố.
Mỹ Linh ở cự ly gần
Như đã hẹn, tôi đến nhà riêng của chị vào một chiều thứ Bảy. Mỹ Linh trong đời thường trông không khác mấy so với trên tivi, thậm chí còn có vẻ tươi tắn hơn. Bộ váy màu đỏ với chất vải rủ nhẹ phả sắc màu tươi tắn nên làn da người phụ nữ đang tiến gần đến tuổi bốn mươi. Mỹ Linh dù không trang điểm vẫn rất xinh, xinh nhờ cách phối hợp trang phục rất có phong cách riêng. Nếu không biết qua bạn bè chị, tôi và chắc cũng nhiều người khác bị vẻ ngoài của chị “đánh lừa” tuổi thật.
Pha ấm chè nóng, đôi tay khoan thai nhẹ nhàng châm chè mời khách, Mỹ Linh trước mắt tôi dịu dàng đến lạ. “Mời em dùng nước, không phải đang quay talk show Văn hóa- Sự kiện- Nhân vật của VTV3 đâu, cứ tự nhiên nhé!”, cuộc trò chuyện của chúng tôi đã bắt đầu như thế.
Được lời như cởi tấm lòng, câu chuyện trở nên rôm rả hơn. Tôi bảo: “Em đến gặp chị thể theo yêu cầu của một số độc giả tạp chí Tiếp thị & Gia đình. Họ muốn biết về người “đầu bếp” của talk show lạ này”.
Nghe thế, Mỹ Linh bật cười, trả lời hóm hỉnh: “Mình cũng như bao người khác thôi, làm chương trình có lúc này lúc khác mà”.
Hậu trường và chuyện vui nghề MC
Vài năm nay, Linh là người “giữ lửa” cho Văn hóa-Sự kiện- Nhân vật. Nói ra hơi “kiêu” một chút nhưng thường tôi giải quyết được những vấn đề liên quan đến nhân vật”, Linh nói về công việc của mình.
“Nghề nói đòi hỏi vậy, người nói ít quá thì phải kích cho họ nói nhiều hơn, nói lạc đề thì kéo quay về bằng được. Chỉ có hai đối tượng hơi khó xử lý: làm rất hay nhưng nói dở và làm hay “vừa vừa” nhưng nói cao xa quá”, Linh thổ lộ.
Một lần, nhân vật của talk show là một họa sĩ có tài. Mặc dù yêu thích các tác phẩm và cảm phục tài năng của ông nhưng khi vào cuộc, thấy ông cứ luôn miệng: “Tôi có ý tưởng hay nhất”, “Thế giới biết đến tôi”, “Tôi mà muốn có không gian này ở Paris là có ngay chứ đâu phải chỉ ở Huế”… Thấy tình hình “nguy kịch”, Linh đành chủ động phản biện từ chính những cảm nhận về tác phẩm của ông, về ông. May mắn, Linh cũng có thời gian dài sống ở Pháp nên có những thông tin để đem ra trao đổi…
Khi nhân vật… đòi uống bia
Không ít khán giả còn nhớ chương trình về nhạc sĩ Trần Tiến cách đây chưa lâu. Trước khi phỏng vấn Trần Tiến, chị khá hồi hộp. Đã một lần chị thực hiện chương trình về ông nhưng không thành công.
Lần ấy, vị nhạc sĩ nổi tiếng thích ngao du này bỗng dưng đòi uống bia để nói chuyện cho đỡ nhạt. Thế nhưng kết quả câu chuyện lại không nồng nàn. “Uống vào mồ hôi ra như tắm. Người phỏng vấn cũng chán mà người trả lời lại mệt. Chương trình phát sóng, khán giả không chê bai nhưng tôi thấy đây là cuộc phỏng vấn thất bại”, Mỹ Linh nhớ lại.
Cuộc phỏng vấn lần thứ hai mở đầu khá vất vả. Ông nhạc sĩ nói như người nhà đài. Một lúc sau, nhạc sĩ bảo thèm bia, mới uống được một ly mà đã phê, nói với Linh như nói với bạn ở quán nhậu, quên rằng camera đang ghi hình. “Nếu lúc nào người nổi tiếng cũng muốn mọi người nhìn mình với những điều tốt đẹp thì có lúc họ sẽ cảm thấy mệt mỏi. Họ thấy mình nên là mình. Chắc nhạc sĩ Trần Tiến quyết định chia sẻ hết sau khi đã chán việc nói khéo và biết đâu còn nhờ có cốc bia nữa chăng?”
Làm việc với các nghệ sĩ, sai sót thường xảy ra là khách mời nói say sưa, quên cả thời lượng chương trình. Chỉ đến lúc vào phòng dựng chương trình mới thấy vất vả. Có hôm, Linh ở phòng dựng từ 22 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Phòng thường dựng Văn hóa- Sự kiện- Nhân vật có cả chiếu và chăn để lúc mệt có thể thiếp đi một lúc dậy lại dựng tiếp.
Thế mới nói công việc của một biên tập viên không đơn thuần là nói, là xuất hiện trong áo quần sạch đẹp, môi son má phấn mà nó cũng vắt kiệt sức lao động không kể nữ nhi hay nam giới.
Nhiều người cứ nghĩ từ những cuộc gặp gỡ với các nhân vật, người dẫn chương trình dễ bị cuốn vào mối thâm giao mới. Linh thú nhận, chị là người cổ điển trong suy nghĩ. “Đã yêu phải say đắm và vô điều kiện. Là bạn phải tin cậy và không so đo. Tôi không thể gặp một người đàn ông bất kỳ rồi lúng liếng làm duyên, cho số điện thoại, lên mạng chát hay nhắn tin vô tội vạ như trào lưu bây giờ. Tôi cũng ít xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi rồi đặt cho nó cái “mũ” tình bạn”, Linh nói về quan điểm của mình.
Chia cuộc sống thành nhiều giai đoạn.
“Nếu phải chọn giữa công việc yêu thích với thiên chức của người vợ, người mẹ vào một ngày nào đó, chị sẽ…?”, trả lời cho câu hỏi này của tôi, chị bảo: “May mắn là tôi chưa phải chọn lựa gì cả. Có lẽ vì tôi xác định rõ, mỗi giai đoạn cuộc đời nên dành cho việc gì. Đã có những năm tháng, tôi đi làm cầm chừng để ở nhà chăm sóc gia đình, lo cho con. Bây giờ con cái lớn hơn, tôi lại có nhiều thời gian dành cho công việc”.
“Tôi nghĩ, tốt nhất không phải chọn lựa, mà chia cuộc sống làm nhiều giai đoạn và có mục đích cho những giai đoạn đó. Xác định như thế sống sẽ dễ chịu hơn, đỡ phải đẩy mình vào sự khó khăn của việc phải chọn điều mà mình không muốn”.
“Nói ra thì ngượng, nhưng từ lâu, tôi chỉ nấu ăn khi nhà có khách và vào cuối tuần, còn trong tuần là trông cậy hết vào bác quản gia. Nhiệm vụ của tôi là lên thực đơn và hướng dẫn nấu ăn thôi”, Linh kể về chuyện bếp núc của mình.
Những tưởng, người làm nghề nói như chị sẽ có nhu cầu chia sẻ nhiều hơn với chồng, con, thực tế ngược lại. Chị bảo, chị là người chia sẻ nhiều hơn. Các con còn nhỏ, cháu lớn mới mười tuổi và cháu bé lên bốn. Sau một ngày ở đài, việc của chị mỗi khi về nhà là hỏi han xem các con có chuyện gì trong ngày, học hành ra sao, bạn bè thế nào. “Thỉnh thoảng, tôi kể chuyện của mình cho con nghe, nhưng hay bị phản đối: Sao mẹ nói dài thế ạ, cho con nói đã…”, chị vừa cười, vừa kể.
Ước mơ như bao bà mẹ khác
Linh mơ ước con trai trở thành luật sư hoặc theo ngành y, con gái có thể theo ngành xã hội như mẹ.
“Tôi thích đẩy con bay xa hơn. Nhiều đêm nằm ngắm con, tôi cứ suy nghĩ miên man! Vừa mong con khôn lớn nhanh, học hành giỏi giang để có thể tự lập vào đời, lại vừa mong con cứ ở lại gần mình mãi. Làm mẹ thường tự đem những “gánh lo” vào mình, mà không thể nào “quẳng” đi được đâu”, chị tâm sự.
Người phụ nữ cả nghĩ
tò mò hỏi chị: “Có thói quen nào đã để mất khi sống ở nước ngoài và có thói quen nào mới được hình thành từ khi về nước?”. Chị bảo: “Tôi ít sống bởi những thói quen. Tôi thích cuộc sống với những sự bất ngờ. Mỗi ngày có điều gì mới thì thích ứng hơn chứ. Thật ra khi sống xa nhà, tôi nghĩ mình học được nhiều điều tốt hơn, ví dụ như nhìn cuộc đời rộng hơn, biết chấp nhận sự khác nhau và chưa hoàn thiện của con người. Ở Pháp, bạn chẳng mấy khi có cơ hội bình phẩm ai, hay “buôn” về đời tư của người khác. Về Việt Nam, để không tái nhiễm, nhiều khi cũng phải cố gắng đấy. Và đây là điều tôi thích ở văn hóa châu Âu”.
Giữ được sự trẻ trung, tươi mới cả trong công việc và dáng vẻ bề ngoài, nhưng Linh chẳng phải người có thể “quẳng gánh lo đi”.
Chị nói có lẽ chị phải cảm ơn trời đã không bắt chị bộc lộ hết những lo lắng, suy nghĩ ra bên ngoài.
Từ khi có con, nhất là con gái, Linh chợt nhận ra một điều: “Con cái là chỗ dựa tinh thần cho mình chứ không phải ngược lại. Khi lo lắng, căng thẳng, buồn bực, Linh chỉ cần ôm con vào lòng là thấy nhẹ nhàng bao nhiêu.
Phía sau một Mỹ Linh nhẹ nhàng và mềm mại là người phụ nữ cứng cỏi và dứt khoát.
Chị bảo mình luôn nghe sự mách bảo của linh cảm. “Tôi tâm niệm: Cố gắng đừng làm điều gì mình không thích hay mình cho là đạo đức giả. Mỗi con người sinh ra đều muốn sống đúng theo ý mình, vậy thì cứ sống như thế đi. Sống, dám chịu trách nhiệm và cố gắng đừng làm tổn hại đến người khác”.
Cây đàn mà Linh “bỏ quên” ở gia đình lớn của chị dường như vẫn chờ “cố nhân”. Nhưng Linh bảo lâu rồi chị không chơi và không biết có còn chơi đàn được nữa không.
theo Tiếp thị gia đình
|