Gánh trên vai danh hiệu Hoa hậu, các người đẹp sẽ phải gánh thêm hai chữ trách nhiệm.
Một vài năm trở lại, việc mở rào của Cục Nghệ thuật biểu diễn khiến danh hiệu Hoa hậu trở nên hào phóng hơn bao giờ hết. Không chỉ Hoa hậu Việt Nam, mà có tới hàng chục các danh hiệu Hoa hậu khác, như Hoa hậu Biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam…
Nhưng trong “lố” đó, có những danh hiệu một đi chưa trở lại như Hoa hậu Thể thao từ 2007, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam từ 2008, Hoa hậu Biển từ 2006, Hoa hậu Trang sức 2007… Sự thật, nhiều mỹ nhân sau khi đăng quang đã mất tích trong giới giải trí và lặn tăm không sủi bọt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những lời hứa làm từ thiện, hoạt động vì cộng đồng… vẫn chỉ là lời hứa.
Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam Hồng Nhung.
Trách nhiệm hay là lời hứa suông
Vũ Hoàng Điệp đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp Quốc tế, nhưng vinh quang của người đẹp này không được tỏa hào quang lâu lắm. Những gì công chúng thấy, chỉ là sự khoa trương, khoe mẽ của người đẹp này kể từ lúc đăng quang, lúc nào cô cũng rầm rộ khi có đại gia Công Motor bên cạnh với dàn vệ sỹ khủng. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện của Nữ hoàng này rất cầm chừng, nếu không nói là quá ít ỏi so với danh hiệu mà cô đang gách vác.
Thậm chí, dư luận còn nghi ngờ danh hiệu này khi cô chẳng lên báo khoe chút thành tích nào của mình kể từ sau khi đăng quang về vai trò và nhiệm vụ của một Nữ hoàng sắc đẹp Quốc tế. Chẳng lẽ, đó cũng chỉ là cuộc thi “ao làng” giống như Ngọc Trinh vừa mới đăng quang?
Năm 2010, khi truyền thông cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đơn vị tổ chức – Báo Tiền phong đã quảng bá rất nhiều các hoạt động hậu đăng quang gồm công ty quản lý hình ảnh Hoa hậu riêng với các tổ chức từ thiện quy mô, rèn giũa Hoa hậu những kỹ năng để đi thi quốc tế… Nhưng hơn 1 năm trôi qua, việc này vẫn dậm chân tại chỗ và nghe đâu, đơn vị đối tác của Báo Tiền phong đã một đi không trở lại. Ngọc Hân vẫn hoạt động từ thiện, quảng bá hình ảnh Việt Nam một mình. Và ngay cả khi nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế rầm rộ hơn 1 năm qua, cái tên Ngọc Hân vẫn lặng lẽ đi bên lề, đứng nhìn các Á hậu, người đẹp được tiền hô, hậu ủng dự thi Hoa hậu trên thế giới.
Đến khi nào, trách nhiệm của một Hoa hậu mới là trách nhiệm đúng nghĩa thật sự, chứ không chỉ làm vì tâm, làm tùy tâm để tự thấy xứng danh Hoa hậu.
Chọn cách sống an toàn, cũng là có lỗi
Từ chối đem nhan sắc đi đánh chuông xứ người như Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan, Hoa hậu Việt Nam Đặng Thị Ngọc Hân hay lùi vào hậu trường, bàng quan với thế giới giải trí như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam Hồng Nhung, Hoa hậu Thể thao Trần Thị Quỳnh, Hoa hậu Việt Nam 1994 Mai Phương… cũng là có lỗi với sự tin yêu và kỳ vọng của khán giả.
Năm 2007 cô gái dân tộc Tày Hồng Nhung đăng quang Hoa hậu Dân tộc. Từ sau đó, người đẹp này mất tích với lý do bận học, và mới đây dư luận cũng mới ngã ngửa khi người đẹp này đã yên bề gia thất. Đứng vào danh sách này, có thêm Hoa hậu Việt Nam Mai Phương khi vừa đăng quang, lọp top 15 Hoa hậu Thế giới, cô chọn cách đi du học, lập gia đình và an phận với cuộc sống riêng.
Trước đó, Ngô Phương Lan đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt với sự ngưỡng mộ và thán phục của dư luận về cả nhan sắc, trí tuệ của người đẹp này. Nhưng trong suốt 2 lần đề cử dự thi Hoa hậu Thế giới, Ngô Phương Lan vẫn lắc đầu với lý do bận học. Nếu đăng quang, chỉ để đăng quang, thì danh vị đó, có thật sự xứng đáng khi cô không làm tròn trách nhiệm của một Hoa hậu, là chứng minh nhan sắc và trí tuệ Việt với bạn bè quốc tế.
Kể từ sau scandal Hoa hậu Trang sức 2007, cuộc thi đó đã bị dập tắt, nhưng Hoa hậu Vân Anh chọn cách sống an nhàn với dư luận. Cô chọn cách đi làm lễ tân ở một trung tâm tiếng Hàn với mức lương 2 triệu/tháng. Không gánh trên vai trách nhiệm của một Hoa hậu, thậm chí, từ chối cơ hội nổi tiếng trong showbiz Việt, người đẹp này thẳng thắn “Tôi không tiếc nhiều, vì tôi thích cuộc sống đơn giản. Một cuộc sống bình thường bên cạnh những người mình yêu thương. Tôi chỉ cần một gia đình có kinh tế đủ vững, không cần phải dư giả nhiều lắm”!
Ngọc Hân đăng quang năm 2010 và chuyện cũng sẽ chẳng có gì là sóng gió, nếu người đẹp này đã kịp tuyên bố mình không tham dự cuộc thi nhan sắc thế giới để chuẩn bị tốt cho tư cách nước nhà tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Cho đến giờ, khi đã qua mấy cuộc thi nhan sắc quốc tế, cái tên Ngọc Hân vẫn chưa một lần được đề cử trong khi hai Á hậu Thế giới người Việt đã lần lượt đề cử dự thi Hoa hậu Thế giới 2010 và 2011 và Á hậu Việt Nam Hoàng My dự thi Hoa hậu Hoàn Vũ.
Ngọc Trinh, vừa mới đăng quang cuộc thi bị coi chỉ là Hoa hậu tạp kỹ cũng lên tiếng nguyện dùng hết số 600 triệu đồng tiền giải thưởng cho từ thiện khiến thiên hạ lại được phen nghi ngờ.
Hoa hậu nào, dù cuộc thi lớn hay cuộc thi ao làng, cũng nói vống lên được thế với đầy đủ những hiểu biết về sức nặng của chiếc vương miện trước dư luận. Nhưng thời gian, là thứ minh chứng rõ nét nhất, rằng, họ đã thật.sự hiểu hai chữ “trách nhiệm” và sống đúng với lòng tin yêu, kỳ vọng của công chúng hay không.
Trần Thị Quỳnh sau đăng quang Hoa hậu Thể thao cũng chuyển nghề, làm tại kênh VOV Giao thông, không còn gắn tên tuổi cống hiến cho chính ngành mình đăng quang, cũng không xuất hiện nhiều trong các hoạt động từ thiện hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật; Thùy Lâm đăng quang Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam cũng không có hoạt động gì nổi bật dù cô lọt tới top 15 Hoa hậu Hoàn Vũ Thế giới... Còn nhiều những cái tên như thế nữa, chủ quan hay khách quan, lại chối bỏ trách nhiệm khi trở thành Hoa hậu.
Dường như, chúng ta đang thiếu sự đồng hành từ phía ban tổ chức với các Hoa hậu cũng như chưa có sự chặt chẽ trong quy chế về việc cam kết thực hiện trách nhiệm của một Hoa hậu với các hoạt động cộng đồng, để những người đẹp khi đăng quang, họ sống thật sự xứng đáng với danh hiệu mà ban tổ chức và công chúng đặt niềm tin.
Theo VnMedia
|