MC Anh Tuấn chính là điển hình sinh động cho túyp “những người đàn ông Peter Pan”, không bao giờ chịu lớn: Luôn luôn hành động, luôn luôn bướng bỉnh, luôn luôn cần bạn và luôn luôn lạc quan.
Ba điều nuối tiếc trong quá khứ: Học bổng trường Berklee, tốt nghiệp Ngoại thương và nghề phi công
Mở đầu buổi trò chuyện, Anh Tuấn kể về một trong những điều tiếc nuối của mình.
Berklee College of Music ở Boston, Mỹ là trường đào tạo có tiếng về nhạc. Ở Việt Nam có saxophone Quyền Thiện Đắc, nhạc sĩ Phạm Tuấn Hùng và tôi được có tên trong danh sách dự thi lúc đó. Học bổng tối đa cho người nước ngoài là 50%. Kết quả, Đắc được mức tối đa. Hùng được 25% mức tối đa ấy. Tôi tự nhủ: “Ước gì mình được như thế”.
Tôi đi chuyến sau. Họ bắt tự bỏ tiền sang chi nhánh của trường tại Malaysia. Lần đầu tiên đến “đất khách”, vác một cây đàn dài gần 2, taxi không muốn chở. Tiếng Anh bên đó lại không được sử dụng nhiều, tôi phải năn nỉ, cho thêm tiền, họ mới chịu chở.
Có rất nhiều thí sinh từ các nước đến dự thi như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Hầu hết dân châu Á học nhạc đều tập trung ở cuộc thi này. Các bạn đông vui lắm, mỗi nước có cả chục người đi thi. Tôi có mỗi mình, tủi thân vô cùng.
Đến lúc vào thi, có phần tự chơi ngẫu hứng và chơi có nhạc đệm. Phần hai, những thí sinh khác đều có bạn đánh cùng, tôi không có.
Ban giám khảo hỏi: “Phần đệm của mày đâu?”. “Tao không có”. “Ơ mày chỉ có một mình à? Thế mày có thu phần đệm không?”. “Không. Tao thích tự mình đánh”, tôi trả lời. Ban giám khảo cười ầm lên. Họ hỏi tiếp: “Mày có thích đánh có đệm không?”. “Tao không quen ai nên không nhờ được”.
Thế là ba người chấm thi, một người nhảy lên đánh piano, một người đánh trống và một người ngồi dưới cầm kèn thổi cùng tôi. Ba giáo sư của trường đó đánh với tôi. Tôi cảm thấy thật sung sướng, nằm mơ cũng không nghĩ mình được chơi với các bậc cao thủ. Lúc đầu còn run nhưng sau thì nhuyễn. Chơi xong, họ cười vui vẻ và nói: “See you in my school”. Tôi nghĩ thế là mình có chút hy vọng.
Đến khi có kết quả, đọc lời giới thiệu dài ngoằng, tôi thầm nghĩ, mình chỉ quan trọng nhất mức học bổng thôi. Và khi nhìn xuống phần cuối… tôi được mức cao nhất cho bốn năm học!
Mơ ước đã thành hiện thực nhưng không có điều kiện để đi học. Tôi gọi điện sang đó xin bảo lưu một năm. Một năm sau, lịch làm việc vẫn dày đặc, tôi đành bỏ dở học bổng đó.
- Vậy còn điều gì đáng tiếc nữa không, ngoài việc anh bỏ học nhạc?
- Phi công! Hồi học trường nhạc, tôi có rất nhiều hướng. Khi đấy, tôi thấy dân nhạc khổ quá, bao nhiêu năm không kiếm được tiền, có quá ít cơ hội trong cuộc sống. Tôi chuyển sang học Ngoại thương. Trước khi học ở trường này, tôi có rất nhiều dự định đặt trên bàn, trong đó có nghề phi công.
- Tại sao lại là phi công?
- Tôi thích bay nhảy. Tôi thích mình được điều khiển, chế ngực cái gì đó khổng lồ. Hội bạn nói: “Bọn tớ sẽ làm tiếp viên”, tôi dứt khoát: “Tớ không làm tiếp viên, tớ chỉ làm phi công”.
- Chưa thi tuyển, nhận thấy mình có vài hạn chế về sức khỏe, tôi biết không qua được nên thôi.
- Việc không thể hoàn thành khóa học ở trường Ngoại thương là điều đáng tiếc thứ ba?
- Hồi đó, tôi song song ba thứ một lúc: cao học nhạc, đài truyền hình Việt Nam và Ngoại thương. Tôi từng ngất trong trường Ngoại thương vì quá sức. Ngày đó, Trò chơi âm nhạc phải vào TPHCM quay hai tuần liền. Tôi không đủ thời gian lên lớp.
“Tôi không quan tâm đến tin đồn”
- Tôi thấy trong suốt buổi trò chuyện này, cứ hai phút anh lại có một cuộc điện thoại, xem ra toàn là việc quan trọng cả. Với cường độ làm việc ngạt thở thế này, có bao giờ anh dừng lại suy nghĩ, thấy mình yêu công việc hơn gia đình không?
- Không bao giờ. Tôi luôn là người biết điểm dừng. Tôi chăm sóc con khéo lắm đấy nhé. Sáng nay, tôi dậy lúc bảy giờ, làm đồ ăn rồi đưa hai con đi học. Bọn trẻ rất thích đồ ăn tôi nấu, nhiều khi còn chê bà nội nấu không ngon bằng bố đấy! (cười)
- Hình ảnh của anh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông về các event từ Bắc tới Nam. Tôi có cảm tưởng anh đã trở thành “người đàn ông của những bữa tiệc”. Vậy mà anh nói mình vẫn dành thời gian cho gia đình…
- Có nhiều event tôi bắt buộc phải xuất hiện. Nhưng ngoài thời gian đó, tôi dành hết cho gia đình. Thậm chí, có lần đang họp, tôi xin phép ra ngoài đón con, sau đó lại đến họp tiếp.
- Anh giải thích thế nào khi dạo này liên tục xuất hiện với những cô gái nổi tiếng nhất showbiz Việt Nam?
- Người ta chỉ nhìn bên ngoài, làm sao biết được bên trong thế nào. Tôi cũng không có thói quen giải thích những tin đồn. Mình sống cho mình. Mình quan tâm đến người khác, nhưng cái gì làm mình phiền lòng thì bỏ qua.
- Mục đích kiếm tiền của anh là gì? Vì quyền lực, vì danh vọng hay vì thích sở hữu nhiều căn biệt thự khổng lồ?
- Tiền đối với tôi không phải mục đích chính. Mục đích chính là tạo ra sản phẩm âm nhạc nhiều người yêu thích.
Tôi chỉ mong tích lũy đủ tiền để có nhà, có xe, có dự trữ, đề phòng bất trắc. Nhưng quan trọng nhất là nuôi con ăn học, để bọn trẻ tự do chọn trường, sau này du học nước ngoài, có tiền thì về chơi với bố.
- Khi dẫn chương trình cho Hoa hậu Việt Nam 2006, anh từng nói: “Tôi là người đàn ông may mắn nhất Việt Nam”. Có người cho rằng đó là câu nói ngoại giao thôi vì Anh Tuấn nhát, hay sợ bị hiểu sai lắm…
- Câu đó là có thật và hoàn toàn thật từ trong tâm tôi chứ không phải là câu sáo rỗng. Tôi nghĩ ở chiều hướng của tôi với một ý nghĩ rất vui, chứ không tiêu cực gì cả (ưỡn ngực): “Ai được đứng giữa 34 cô mặc bikini như thế này? Có phải là may mắn không? (cười lớn).
- Như thế dễ làm một người phiền lòng…
- Nhưng tôi có làm được cái gì đâu? Tôi chỉ đứng đó làm nhiệm của mình, chẳng làm gì cả! Còn việc đứng cạnh các hoa hậu, tôi cố gắng chỉ vui vẻ trong giao tiếp, không “sâu sắc” với họ.
- Năm đó, Anh Tuấn thích cô nào?
- Tôi thích Mai Phương Thúy. Cô ấy hơi cao, nhưng cô ấy cá tính. Ở Thúy có sự thông minh mà vẫn có cái ngờ nghệch kiểu trẻ con. Bây giờ, Thúy thay đổi một chút rồi, không còn là Thúy của ngày xưa nữa. Ngày xưa, hồi thi hoa hậu xong, hai anh em còn hay lên Yahoo! Messenger nói chuyện.
Tôi chưa nói là mình có tài đoán hoa hậu nhỉ? Hồi đó, tôi đoán Thúy được. Sau này, tại cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2007, tôi đoán Ngô Phương Lan. Nhưng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008 thì tôi chịu. Thú thật, tôi chỉ có ấn tượng với một số thí sinh không được giải. Lần đó tôi đoán sai. Tôi cứ nghĩ Thụy Vân sẽ là hoa hậu.
- Hay vì anh gần ban tổ chức nên nghe ngóng được những thông tin bí mật?
- Nhầm nhé! Thậm chí tôi không bao giờ muốn hỏi, vì nếu biết ai được, tâm lý dẫn chương trình không còn tốt. Tôi thích sự bất ngờ đến phút cuối cùng.
- Anh nhìn nhận thế nào về cuộc thi Hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam 2009, gây nhiều phản ứng dư luận vừa qua?
- Tôi không xem vì bận quá. Thậm chí, tôi không biết một “quý bà” nào cả. Nếu không nhầm, cô bạn của tôi, người mẫu Bảo Ngọc cũng thi. Chấm hết.
- Anh thấy Bảo Ngọc là người phụ nữ như thế nào?
- Tôi quý Ngọc và chồng Ngọc vì anh ấy cũng là dân ghiền xe. Với Ngọc, tôi thích sự tự nhiên, không điệu đà kiểu người mẫu. Những người như thế rất bình thường. Tôi xin lỗi nếu làm cho tất cả những người mẫu tự ái khi nói điều này.
Tôi thấy nhiều người mẫu diện quần áo đẹp, túi xách xịn trong khi Ngọc rất bình dị.
- Còn Ngô Thanh Vân hay Tăng Thanh Hà thì sao?
- Vân và Hà, tôi không xem là người mẫu, ca sĩ hay diễn viên. Đó chỉ là những người bạn.
- Vậy còn tin đồn?
- Bạn nghe ở đâu đấy (cười lớn). Tôi không quan tâm đến tin đồn. Nhiều người đồn tôi và Tăng Thanh Hà có tình cảm sau khi đi Thượng Hải. Tôi cười bảo: “Cứ đồn đi”. Đến bây giờ, người ta đọc báo thấy Hà đi cùng anh chàng đẹp trai. Giả sử có tình ý với cô nào, tôi chẳng vô tư “lộ diện” như thế đâu.
“Miền Nam không phải là mảnh đất của tôi”
- Tôi thấy anh là một MC chừng mực, không phô trương, không nói nhiều, không diễn trò, không lòe loẹt, giả tạo…đại loại rất an toàn. Nhưng sự an toàn đó khiến anh mất đi sự hài hước, dí dỏm của một Anh Tuấn ngoài đời. Hay vì dẫn nhiều chương trình trực tiếp nên sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu?
- Thật ra tất cả những chương trình chúng ta xem đều đã bị cắt rồi. Nhiều cuộc chơi khi đi xem, bạn sẽ thấy rất vui, vì thời lượng lên sóng nên phải cắt bớt. Nhiều lúc, tôi nói ở hiện trường một kiểu, lên chương trình lại thành kiểu khác hẳn.
- Đó có phải là sự biện hộ hay không?
- Hoàn toàn không phải.
- Anh là MC “đinh” của hầu hết những chương trình ngoài Bắc, nhưng không phải là “hot” ở miền Nam. Anh có sự so sánh nào về gu của khán giả hai miền không?
- Tôi có nhiều lời mời từ trong Nam, nhưng thật sự như bạn nói, đó không phải đất của mình. Tôi thấy cách dẫn người Nam thích khác hẳn cách của tôi. Chẳng hạn, họ thích chất như anh Thanh Bạch. Tôi hoàn toàn không thể làm được như vậy. Đó là chất tạp kỹ, diễn nhiều. Mình không phải là diễn viên, mình chỉ muốn gửi thông điệp tốt nhất và cô đọng nhất đến khán giả.
- Anh nói như thế không sợ đụng chạm ư?
- Tại sao tôi lại sợ đụng chạm khi thực tế khán giả miền Nam thích kiểu dẫn này hơn? Tôi còn nể phục anh Thanh Bạch nữa mà.
“Kể cả khi trắng tay, tôi vẫn ngẩng cao đầu”
- Cá nhân anh muốn mang hình ảnh MC như thế nào đến với công chúng?
- Ngày xưa, tôi tự nhìn nhận mình làm MC kém hấp dẫn. Nhưng trong những năm gần đây, tôi muốn hình ảnh của mình đến với công chúng là người thật nhất. Tôi nói những gì thật nhất.
Tôi không cường điệu hóa mọi vấn đề. Nhiều khi tôi bị nhắc nhở hay dùng những từ tuyệt đối. Tôi có lý luận này: Đối với người chơi, sự động viên rất quan trọng. Chẳng hạn tôi khen ngợi người chơi hát hay, có thể họ hát chưa đến mức đó nhưng phải đặt địa vị mình vào họ để hiểu rằng lần đầu tiên đứng trước máy quay như thế là cố gắng lắm rồi.
- Anh luôn luôn tự vấn mình đã làm được gì, đang làm và sẽ làm được gì. Anh có tham vọng và đặt nhiều kỳ vọng vào bản thân quá không?
- Đúng, tôi là người tham vọng. Không có tham vọng và mục đích sống thì sống để làm gì?
- Làm producer trong một môi trường thiếu chuyên nghiệp như ở Việt Nam, anh cần thêm kỹ năng gì khác nữa?
- Mình cần phải chuyên nghiệp hơn. Tôi không có kiểu: “Ôi, tôi làm với nước ngoài nhiều, tôi chuyên nghiệp lắm”. Không có chuyện đó, sự chuyên nghiệp ở đây là trách nhiệm và sự chính xác.
- Anh dùng sức mạnh nào để thuyết phục những người ngang bướng cùng thỏa hiệp với nhau trong công việc?
- Không phải lúc nào mình cũng thuyết phục được người khác. Sự thuyết phục phải dựa trên tính logic, nếu không người ta phản bác ngay. Có những chương trình căng thẳng đến nỗi chỉ chực nhảy vào đánh nhau.
- Nhưng mình có phải là thánh đâu mà lúc nào cũng trấn tĩnh được. Anh đã từng nổi cáu bao giờ chưa?
- Tất nhiên, tôi cũng cáu ghê lắm nhưng chỉ cáu về công việc thôi.
Tôi ít tuổi so với nhiều người thợ trong đội. Tôi muốn thế này, kể cả không phải việc của mình, tôi cũng ở lại với họ thêm một lúc, xem họ như thế nào. Sự gần gũi đó khiến người ta cảm thấy thoải mái hơn. Họ sẽ không nghĩ tôi chỉ biết chỉ đạo, đút tay vào túi quần đi về. Nhưng nếu họ không hoàn thành, tôi sẽ nghiêm khắc theo đúng tính chất của công việc.
Từ nhỏ tôi đã vậy. Khi xây nhà ở Hàng Cân, tôi ngủ đêm chung với thợ. Tôi đan lưới sắt, đổ bê tông. Tôi đứng giữa hai tầng, kéo xô xi măng từ tay người thợ ở tầng một đưa lên. Tôi thích như vậy!
- Tình bạn có đâm chồi trong một môi trường “rắn như đá” không?
- Có chứ. Những đối tác làm việc với tôi bởi sự tin tưởng. Tôi đặt danh dự lên cao nhất. Thậm chí, có nhiều đối tác nhận và làm việc với tôi mà chưa ký hợp đồng cũng chính vì sự tin tưởng.
Những cây cao nhất lại chính là những cây mọc lên từ mảnh đắt cằn cỗi nhất. Tình bạn và niềm tin cũng được hình thành như thế.
- Ngày xưa, hình như anh cũng điều hành nhiều công ty khác. Tình hình hoạt động các nơi ấy ra sao rồi?
- Đều không thành công.
- Anh thất bại vì khả năng kinh doanh chưa tốt?
- Không phải. Tôi quá đắm đuối với truyền hình mà không tập trung kinh doanh.
- Thất bại nhiều thế mà anh không nản ư?
- Kể cả khi trắng tay tôi cũng ngẩng cao đầu. An Thuận Media sau Hennessy Artistry 2009 đã có thêm nhiều cơ hội hấp dẫn khiến tôi càng lạc quan hơn vào tương lai của công ty.
- Quá nhiều áp lực như vậy, có bao giờ anh muốn chạy trốn không?
- Có chứ. Tôi muốn trốn khỏi thế giới ba, bốn ngày, vứt hết điện thoại, internet… để thư giãn thực sự sẽ như thế nào.
- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.
Theo Thế giới văn hóa