- Thường nếu chọn nhân vật cùng “gu” thì MC sẽ dễ trò chuyện hơn?
- Tôi không biết, vì tôi không tìm người cùng “gu”. Tôi nghĩ một người hay là người phải có điều gì khiến chính mình muốn khám phá, với công chúng cũng thế, nếu không đừng hy vọng công chúng ngồi lại. Khách mời của tôi, mỗi người một lĩnh vực khác nhau, nếu lấy tiêu chí cùng “gu” thì thật khó vì, mình có phải là “từ điển sống” đâu.
- Talk show là trò chuyện, là tranh luận, nhưng chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng một vài chương trình có cảm giác, đôi khi chị và nhân vật chính “cãi nhau”?
- Tôi quan niệm phỏng vấn là kỹ năng gợi mở vấn đề. Nếu chỉ đặt câu hỏi, chờ họ trả lời, nhất là văn nghệ sĩ thì sẽ thất bại, phải có sự trao đổi. Tôi cũng chỉ hỏi về quan niệm nghề nghiệp, chứ không phải cật vấn, “hỏi cung”. Có người không quen trò chuyện, thì phải khơi gợi, thậm chí lỳ lợm hỏi bằng được.
Bản thân người Việt Nam quản lý lời ăn tiếng nói trước ống kính rất chặt chẽ. Nếu người nào thấy tôi nói nhiều hơn thì nên hiểu là khách mời quản lý bản thân họ chặt chẽ quá hoặc ít khi nói trước công chúng. Có người nửa đầu nói chuyện nhạt nhẽo, nhưng nửa sau, tôi phải dùng kỹ thuật có thể là chọc tức, khiêu khích, họ mới điên tiết, nói hay hơn đấy. Mà nếu cãi nhau, tranh luận mà sáng tỏ được điều gì thì cùng thích chứ nhỉ? (cười).
|
Mỹ Linh trong một talk show.
|
- Talk show ở phương Tây, để khai thác thông tin, có khi MC truy người tham dự tới cùng nhưng ở Việt Nam thì sao?
- Cũng có người bực mình, nhưng kết thúc chương trình, tôi nói nếu tôi không hỏi họ như vậy thì không bao giờ có kết quả tốt. Tôi muốn công chúng thấy quan niệm, tư duy của nghệ sĩ, thấy vì sao họ sáng tạo, góc khuất đằng sau công việc nghệ sĩ chứ không phải chỉ cho công chúng thấy cái gì mà họ muốn công chúng nhìn thấy thôi! Nhưng cũng ít khi tôi phỏng vấn đời tư, nếu có thì cũng chỉ là xúc tác cho vui câu chuyện.
Có lúc không việc gì phải thỏa hiệp
- Cách đây không lâu, nghe nói VTV3 đã nhấc lên đặt xuống chương trình “Văn hóa, sự kiện và nhân vật”, vì là một trong những chương trình ít thu hút tài trợ. Chị có thỏa hiệp?
- Thoả hiệp với điều gì cơ ? Tôi nghĩ không phải thoả hiệp đã là tốt. Có lúc chả việc gì phải thỏa hiệp! Do tôi thích làm, chứ không làm truyền hình thì tôi sẽ làm việc khác. Mấy năm chương trình không có tài trợ, Đài vẫn giữ, có lẽ vì đáng cho công chúng xem chăng?
Tháng 1/2009 chúng tôi thay đổi format chương trình để trẻ trung hơn, vui, sinh động hơn; nhưng không đồng nghĩa với rẻ tiền hơn. Tôi vẫn nghĩ, nếu truyền hình rẻ tiền thì mất đi một trong những chức năng của văn hóa nghệ thuật là giáo dục thẩm mỹ và làm xấu một phương tiện truyền thông của Nhà nước.
- Vậy chương trình thay đổi như thế nào?
- Chúng tôi vẫn giữ sự kiện đáng kể, nhân vật có đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà. Nhưng sẽ có mục mới: “ai, làm gì, ở đâu” để công chúng biết một ngày của "sao" thế nào, vì họ cũng lao động thực sự, trong đó có những người trẻ. Để đứng vững trong nghệ thuật, cũng phải đổ mồ hôi nước mắt. Và chương trình sẽ có thêm một MC nam hoạt náo, vui vẻ để cùng tung hứng với tôi.
- Còn bản thân chị?
- Tôi cũng thay đổi nhưng không thể mặc váy ba tầng kim tuyến, nhún nhẩy. Tôi muốn khắc họa nghệ sĩ gần gũi hơn với giới trẻ, không chỉ gói trong khía cạnh nghệ thuật mà nhiều khía cạnh khác. Đời tư cũng có, nhưng phải ảnh hưởng tới sự nghiệp của họ chứ không phải “thích ô mai” hay “yêu màu tím” đâu.
- Một số người làm cùng lứa với chị đã ra đi và nhận vị trí cao hơn. Là người xây dựng lên “24h/s” trước đây và “Văn hóa, sự kiện và nhân vật” hiện tại, nhưng nghe nói chị vẫn là nhân viên hợp đồng?
- Tôi cũng có tham gia nhiều dự án truyền thông khác thú vị nên chẳng băn khoăn gì. Mọi người hay hỏi tôi hợp đồng hay biên chế, từ đó tôi mới phát hiện ra có khoảng cách lớn về lương mà tôi không biết, gần đây mới biết. Tôi đùa rằng, nếu biết thế thì đã cố! (Cười) Nhưng nói thật là tôi không bao giờ băn khoăn, vì tôi thấy như hiện nay cũng tự do!
Không phải là người cam chịu
- Cha chị (NSND Đình Quang) là đạo diễn, nhà nghiên cứu sân khấu nổi tiếng. Chị học được điều gì từ ông?
- Tôi học từ bố tôi nhiều điều. Tôi yêu và kính trọng bố tôi lắm, nhưng cách nhìn nhận cuộc sống, chăm sóc con cái khác bố mẹ tôi. Nhưng học và nghe lời là hai cách khác nhau. Tôi cũng hay cãi, vì không phải những gì bố mẹ tôi làm thì tôi cũng làm giống thế. Tôi hay đùa, chắc tại bố tôi sinh tôi muộn, hơn 40 tuổi mới có tôi nên tôi được chiều, thành ra hay “chống lệnh”.
|
Với Mỹ Linh, nghệ thuật là thánh đường.
|
- Chị gắn bó với sân khấu từ nhỏ và nói về nó đầy hào hứng. Tôi nghĩ chị từng có mơ ước hóa thân vào nhân vật?
- (Cười) Quá mơ ước ấy chứ! Bây giờ vẫn mơ ước. Thời xưa, chúng tôi xem kịch đến thuộc thoại. Nhưng khi có vai trẻ con, các cô chú diễn viên bảo lên diễn thử thì tôi lại không dám, rồi khi con nghệ sĩ Doãn Châu, Tú Mai, Hà Văn Trọng thường lên đóng vai thì lại tiếc ngẩn ngơ. Tôi thèm lắm, nhưng không dám vì nghĩ mình xấu.
Lớn lên, tôi thèm học đạo diễn sân khấu nhưng bố mẹ tôi cứ thuyết phục rằng nhìn cô Phạm Thị Thành vất vả thế, có theo được không; thế là lại nghe lời vậy. Bây giờ tôi hay đùa anh Hoàng Dũng là có vở diễn nào nhặt diễn viên từ MC thì cho tôi một vai với.
- Với chị, sân khấu vẫn là thánh đường?
- Nghệ thuật là thánh đường. Tôi thích ballet, kịch cổ điển, phim tài liệu. Xưa tôi hay ở nhà một mình, đóng chặt của để múa, bật nhạc, cắt cả ri đô của mẹ làm váy thiên nga nữa. Tôi luôn có cảm giác mạnh mỗi khi vào không gian như nhà hát.
- Từ góc độ của một người yêu sân khấu, theo chị thì cần làm gì để sân khấu hiện nay phát triển ?
- Các nhà hát cần có giám đốc nghệ thuật giỏi và nhạy với thời cuộc. Nghệ sĩ cần trau dồi và có cơ hội ra với thế giới. Đào tạo cần được cải tổ . Ở nước mình cơ hội để sân khấu tiếp cận bên ngoài quá ít, nhất là với anh chị em nghệ sĩ, nên tầm nhìn bị hạn chế. Đến khi mở tung cánh cửa, được ra đến bên ngoài thì không quen, dễ bị loá, như người ở trong bóng tối lâu, khi nhìn xa thì phải nheo mắt lại.
Có khi công chúng đi trước nghệ sĩ rất nhiều. Cảm xúc thẩm mỹ nghệ sĩ dừng lại ở thập niên 1980, nay công chúng đã là 2008, nên có độ chênh lớn. Nói chung cần phải cố gắng lắm và đồng bộ nữa thì mới thay đổi được!
- Tức là sân khấu không bắt trúng mạch khán giả?
- Sân khấu thời trước chạm trúng vấn đề mọi người quan tâm. Trong chiến tranh và hậu chiến là lòng yêu nước, chung thủy, sự trở về, xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống tiêu cực. Hiện nay, tâm thế người Việt Nam bị phân luồng, ít có điều gì chung, có chăng là đều quan tâm tới vấn đề chung là: kiếm tiền. Đó là điều cay đắng. Quả thực bắt được mạch là rất khó.
-Cảm ơn chị!
Phạm Bắc Cường (Gia đình)