- Mỹ Vân ơi, nói thật, làm MC sướng nhỉ. Ước gì tôi cũng là một MC, tha hồ ăn sung mặc sướng, nhiều người ngưỡng mộ và tiền lại nhiều nữa chứ!
- Thực ra nói sướng là vì những mặt bề nổi mà mọi người nhìn thấy như mặc đẹp, lên sân khấu, nổi tiếng, nhiều người hâm mộ, thu nhập cao… Nhưng đằng sau sự sung sướng ấy của một MC thì có rất nhiều những nỗi khổ của nghề mà chỉ những người trong cuộc mới hình dung hết được. Ví dụ như Mỹ Vân làm MC Vân như người mắc bệnh viêm họng mãn tính không khi nào hết được. Lúc này đang nói chuyện với chị cảm giác có một cái gai ở trong cổ như là mình bị hóc không thể nào gỡ ra được, kể cả lúc nói trên sân khấu cũng bị như thế. (Nghề nói nhiều cũng đau họng và đau miệng lắm chứ, nhiều khi cười mà đau xé họng đấy! Cười..). Còn về giờ giấc thì không thể nói hết. Lúc mọi người được nghỉ ngơi thì Vân phải bò ra làm việc. Ngày lễ tết chính là lúc Vân lại phải hi sinh thời gian riêng của mình để làm việc vì những ngày đấy có rất nhiều sự kiện kỉ niệm, nhiều chương trình diễn ra.
Ngày 30-4 và 1-5 vừa rồi có tới 4 ngày nghỉ lễ nhưng Vân không có ngày nghỉ lễ nào cả vì tham gia Carnival Hạ Long sau đó lên Điện Biên làm chương trình kỉ niệm ngày chiến thắng Điện Biên. Một người phụ nữ làm MC mà đã có gia đình như Vân thì còn phải nịnh chồng để anh ấy thông cảm với công việc đêm hôm, không ngày nghỉ, phải bù đắp cho con vì nhiều lúc phải bỏ con đi xa. Thú thật, đi làm vào các ngày lễ tết mình không khỏi chạnh lòng thương chồng con mình. Người ta khi nào cũng có đôi đi với nhau, chồng mình lủi thủi một mình, vợ thì đi tận đẩu tận đâu. Đấy cũng là một cái thiệt thòi, chưa kể đến những lúc đêm hôm khuya khoắt, lúc mọi người đã ngủ say thì Vân mới lọ mọ đi về, làm những công việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, trong khi chồng con đã đi ngủ từ lâu rồi. Bên cạnh đó những áp lực công việc MC đòi hỏi mình không được sai sót, tất nhiên mình không thể khẳng định mình luôn toàn vẹn nhưng mình luôn phải hướng tới cái hoàn mỹ nhất. Một chương trình có vấn đề gì đấy do mình phát ngôn ra lỡ lời hoặc sai kiến thức, hoặc phản cảm khiến cho khán giả nhẹ nhất là chê cười, nặng nhất là coi thường MC. Khán giả họ không cần biết nguyên nhân sự cố ấy do đâu, chỉ cần biết đó là do MC nói ra, tức là lỗi của MC. Vấp phải sự cố như vậy, mình đứng trước áp lực bị mất niềm tin, mất uy tín, và dĩ nhiên là cả sự… thất sủng của khán giả nữa.
- Nghe Vân trần tình về những nỗi khổ của nghề MC như vậy, kể ra cũng ngại thật. Nghề MC cực nhọc, nhưng tại sao Vân vẫn quyết định từ bỏ nghề biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long để sang làm MC truyền hình?
- Ngay từ khi ở Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long thì Vân đã làm MC rồi, vừa làm ca sĩ vừa làm MC. Sau này Vân nhận ra rằng khả năng làm MC của mình nổi trội hơn và khi làm MC thì Vân vẫn thoả mãn được đam mê của mình là được đứng trên sân khấu, được biểu diễn trước công chúng.
- Vậy ra, ánh đèn sân khấu vẫn là một cái gì đó rất quyến rũ, có sức hấp dẫn ma lực với tất cả mọi người. Một MC khả ái, làm sao để cân bằng được mọi thứ để giữ được hạnh phúc luôn ở lại bên mình, chứ không như một số MC khác, hoàn cảnh riêng tư cũng rất éo le?
- Bất cứ công việc nào cũng có những cái được và cái mất. Chỉ có điều mình phải cân bằng nó làm sao khi được thì được nhiều nhất, mất thì mất ít nhất. Còn khi bắt buộc phải lựa chọn thì mình sẽ lựa chọn để cho thiệt hại ở mức tối thiểu. Hình ảnh MC trên sân khấu phải thông minh, kiến thức phong phú, bản thân phải trong sáng và không tì vết.
- Các MC thường chuẩn bị cho mình phương án hai sau khi giải nghệ, vì MC dù có được sủng ái đến mấy, xuất hiện nhiều quá cũng thấy nhàm. Vân thì sao?
- Vân đang công tác tại Đài Truyền hình trong vị trí vừa là MC vừa là biên tập viên, khi Vân không lên truyền hình nữa thì Vân vẫn có thể làm những công việc khác như là làm biên tập, nghề đó nó cũng gần gũi với những gì mà Vân đang làm.
- Nhưng trong lý lịch công việc, rất ít khi có hai chữ: Nghề MC
- Đúng vậy, khi đi khai lý lịch, phần nghề nghiệp, hầu như không mấy ai khai là làm MC. Ở Việt Nam, nghề MC chưa được công nhận như là một nghề, mà mang tính tự phát và năng khiếu nhiều hơn. Còn lại hầu hết các MC như Lê Anh, Mỹ Lan thì MC chỉ là nghề tay trái của họ.
- Các show truyền hình Việt Nam ít có chương trình nào gây bùng nổ. Phải chăng khả năng MC cũng là một phần làm nên sự nhàm chán đó?
- Nếu so sánh với các nước bạn thì đúng là nghề MC ở Việt Nam chưa được công nhận là một nghề và tính chuyên nghiệp chưa cao. Nhưng ta hãy nhìn ra một khía cạnh khác rằng trong một điều kiện và môi trường như thế mà các MC của nước ta đã làm được như bây giờ thì đó là những tín hiệu đáng mừng. Còn nếu được đào tạo bài bản, đào tạo ở nước ngoài thì tôi tin MC Việt Nam cũng sẽ phát huy tốt