Nhưng trong số những MC được chọn, có mấy ai hiểu hết ý nghĩa của nghề MC, hiểu được những yêu cầu khắt khe của nghề. Nói như một giám khảm của cuộc thi "Cánh én bạc" - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh: "MC bây giờ chủ yếu là "thanh sắc", đòi hỏi hơi khó như tìm kim đáy bể, đòi chuyên nghiệp nữa thì chẳng có MC nào ở Việt Nam đủ tiêu chuẩn".
MC - từ nguyên gốc là Master of Ceremonies - Sometimes spelledemcee. Từ điển Bách khoa toàn thư Enciclopedia định nghĩa, MC là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng, có kiến thức rộng, khôi hài, thanh lịch, duyên dáng, có uy tín với công chúng. MC có khả năng dẫn dắt chương trình như một cầu nối với khán giả, làm cho khán giả không chỉ say mê thích thú mà MC còn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu chương trình. Chương trình có thành công hay không, hơn nửa là do tài năng của MC.
Theo giáo trình môn học ở Khoa Báo chí Đại học Lile - Pháp, những kỹ năng cần có của một MC gồm 6 điểm cơ bản:
1 - Đài từ - tiếng nói, âm vực sân khấu phải tròn, rõ, vang, chính xác.
2 - Nghệ thuật diễn cảm - biết diễn đạt cảm xúc theo vấn đề, có năng khiếu một đạo diễn.
3 - Phong cách sân khấu - duyên dáng, thanh lịch, có cá tính riêng biệt.
4 - Nghệ thuật biên soạn lời dẫn - có kiến thức sâu rộng, có năng khiếu của nhà biên kịch.
5 - Phương pháp phối hợp - kết hợp một cách thống nhất để tạo thành một sự nhất quán trước sau, có mở đóng.
6 - 8 chữ vàng cho nghề MC: chính xác, linh hoạt, truyền cảm, nhiệt tình. Chính xác, thông tin, linh hoạt trong ứng xử tình huống, truyền cảm trong diễn đạt, nhiệt tình với trách nhiệm cao.
Nhưng ở Việt Nam nói chung, trong ngành truyền hình nói riêng, có được mấy MC nắm rõ những nguyên tắc vàng để thật sự là một MC chuyên nghiệp, có đẳng cấp?
"Làm MC vừa khó, vừa khổ" - đó gần như là câu trả lời chung của các MC nổi tiếng và có thâm niên của ngành Truyền hình Việt Nam. Để có được chỗ đứng trong lòng khán giả là một quá trình không ngừng rèn luyện, học tập và cả giữ gìn… Ngoài việc phải luôn thu nạp kiến thức về lĩnh vực phụ trách, mà với mỗi chương trình mang nội dung khác nhau, còn phải luôn ý thức làm mới phong cách của mình, phải luôn giữ gìn "thanh, sắc", tư cách nghề nghiệp, lối sống vì đã mang danh "người của công chúng". Đó là chưa kể đến trăm nỗi vất vả không tên. Nhiều khi đem cả tủ quần áo theo, và trong một ngày thay 4, 5 bộ trang phục, vì quay nhiều cuộc cho nhiều buổi phát sóng. Còn hôm không quay thì lại vùi đầu lên kịch bản dựng chương trình. Vậy mà đâu phải lúc nào cũng trôi chảy, suôn sẻ, "tai nạn nghề nghiệp" gần như không ai tránh khỏi.
Đúng là làm MC rất khó! Trong các Khoa Báo chí của các trường Đại học, không có một giáo trình riêng cho nghề MC, lại càng không có sự phân loại từng thể loại - vì ở Việt Nam chưa có văn bản chính thức công nhận nó là NGHỀ MC. Các MC của các Đài Truyền hình phần lớn là vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm nhiều, làm lâu thì dần trở thành chuyên nghiệp (theo cách nói của dân trong nghề).
Chính những người MC nổi tiếng cũng cảm thấy mình chưa phải là một MC thật sự chuyên nghiệp. Ngoài sự thiếu hụt kiến thức nghề vì không được học bài bản, còn có những hạn chế về sự chủ động xây dựng chương trình, chưa được hoàn toàn có một chương trình riêng mang dấu ấn cá nhân như một thương hiệu của MC và của Đài Truyền hình.
"Nói vậy mà không phải vậy", một câu nói hài hước của người Nam Bộ. Ở một chiều khác, nghề MC ở Việt Nam dễ vô cùng. Gần như ai cũng có thể trở thành MC, chỉ cần một chút thanh, sắc, một chút mạnh dạn lanh lợi là có cơ hội làm MC. Thêm danh hiệu ca sỹ, nghệ sỹ sân khấu, diễn viên điện ảnh… thì chuyện được làm MC "dễ hơn ăn cơm sườn".
Dạo qua một lượt các nhà Đài từ VTV đến các Đài tỉnh, thành, tỷ lệ MC không thuộc biên chế nhà Đài chiếm hơn phân nửa. Không cần nói rõ nhưng ai cũng biết, trong số đó là ca sỹ, nhạc sỹ, diễn viên sân khấu điện ảnh, thậm chí có cả nhà văn, nhà thơ… ngoài ra còn có vài gương mặt trẻ của các kỳ thi triển vọng MC, sinh viên các ngành không thuộc ngành báo chí. Cá biệt còn có một MC là người nước ngoài, một sinh viên đang theo học ngữ văn Việt Nam.
Những MC không thuộc nhà Đài thường dẫn các chương trình gameshow, đố vui, âm nhạc, những chương trình mà tính giải trí nhiều, vui vẻ là chính, yêu cầu về kỹ năng MC không đặt nặng, mà quan trọng ở chỗ họ đang là "sao", "người của công chúng" trong một lĩnh vực giải trí nào đó.
Không khó để liệt kê, vì tuần nào cũng thấy họ xuất hiện trên vài kênh truyền hình khác nhau. Họ cũng chạy show MC không thua gì show biểu diễn của họ. Họ đem phong cách của lĩnh vực đang hoạt động vào phong cách MC. Với những MC này, "tai nạn nghề nghiệp" xảy ra thường xuyên, từ sai kiến thức, cho đến cách xử lý tình huống ngoài kịch bản, chưa kể thỉnh thoảng xảy ra "tai nạn nghề nghiệp" nghiêm trọng, sai 1 ly đi một dặm, phải sửa chữa, đính chính đầy phức tạp.
Làm MC ở Việt Nam thật dễ. Hay MC ở Việt Nam là những người đa năng, đa tài? Một MC có thể dẫn nhiều chương trình khác nhau, mà các chương trình không có mối liên hệ nào với nhau, thậm chí đối nghịch nhau như lửa với nước. Có MC trung bình một tuần dẫn khoảng trên dưới 20 chương trình, còn làm talk show, làm bản tin tiếng nước ngoài.
Như một cái "mốt" rất thời thượng, hay thấy được nhu cầu mà gần đây các trường nghệ thuật, khoa báo chí, câu lạc bộ, nhà văn hoá thi nhau mở nhiều khoá học đào tạo MC. Giáo trình giảng dạy phần lớn là copy một cách lẻ tẻ, không hệ thống của nước ngoài, tổng kết kinh nghiệm của các MC nổi tiếng trong ngoài nước, mỗi nơi một kiểu không theo một quy tắc chuẩn mực nào, như một món thập cẩm đủ loại.
Mấy trường nghệ thuật đôi khi nhầm lẫn cho nghề MC như nghề biểu diễn thời trang, hay trình diễn trên sân khấu nên đem cả giáo trình dạy diễn xuất cho diễn viên vào giáo trình MC. Điều quan trọng nhất là các kỹ năng của nghề MC thì không ai chú ý.
Có chuyện vui, trong một Liên hoan truyền hình toàn quốc, có cuộc thi nhỏ mang tính giải trí trong liên hoan - thi người đẹp truyền hình, trong số các người đẹp của các nhà Đài dự thi, đa số là các MC trẻ được đánh giá khá, nhưng khi trình bày phần thi giới thiệu đài truyền hình địa phương và bản thân, phần thi ứng xử… thì họ lúng túng trong cả cách trình bày, trong ngôn ngữ, thậm chí không biết biểu đạt như thế nào ý muốn nói. Tất cả khán phòng cùng cười vui.
Truyền hình là một ngành truyền thông công nghệ cao, ngày một phát triển không ngừng. Các chương trình mới luôn được đổi mới, xây dựng phong phú, đa dạng cả số lượng, chất lượng. Các kênh phát sóng cũng ngày một tăng… Nhu cầu MC càng tăng, nhưng không phải vì thế mà chạy theo số lượng. Đã đến lúc cần đặt vấn đề đào tạo MC một cách chuyên nghiệp, có hệ thống. MC là thành phần không thể thiếu để tạo nên uy tín, chất lượng như một thương hiệu của Đài Truyền hình.
Hoài Hương - theo VTV
|