Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, ai cũng có một thời cắp sách đến trường, và nghệ sĩ, ngôi sao cũng không ngoại lệ.
Cùng lắng nghe MC Thanh Bạch, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, người mẫu Hà Anh, ca sĩ Nam Cường, Lương Bích Hữu... chia sẻ cảm xúc về "những người đưa đò thầm lặng".
MC Thanh Bạch: Lần đầu tiên trở về sau gần 30 năm
Thật lâu lắm rồi, tôi mới có cơ hội về thăm lại trường cũ. Đó là một buổi chiều hè, sau giờ tan học nên vắng tênh. Bước vào lớp học cũ, ngồi vào chiếc bàn ngày nào, nhìn lên bảng đen, vẫn chiếc bục bằng xi măng, vẫn khung cửa sổ với tàng cây xanh lớn. Tôi đi theo dãy hành lang rộng và im vắng, tìm đến một góc sân, ngày xưa cùng đám bè ngồi bàn chuyện tương lai, chuyện của tuổi mới lớn. Trường xưa dường như vẫn không thay đổi nhiều, tất cả vẫn vậy.
Chúng tôi tập trung đông đủ về trường. Mấy đứa bạn rủ nhau xếp hàng trước cửa lớp, mọi người giao hẹn nhau mặc đồng phục, nam quần xanh dương, sơ mi trắng ngắn tay, dán phù hiệu, áo bỏ vô thùng, nữ áo dài trắng. Rồi xô đẩy một tí, phá phách một tí, cãi nhau, trêu chọc… Một thầy cũ, đóng lại vai thầy ngày xưa. Thầy đến cả lớp giữ trật tự vào lớp. Ai ngồi chỗ nào ngày xưa giờ ngồi lại như vậy. Chỉ có điều chân tay… quá khổ trong cái bàn cũ kỹ vừa mòn, vừa nhỏ.
Cả lớp đứng chào thầy, văn nghệ đầu giờ 5 phút. Một người bạn cũ hát lại bài Nỗi buồn hoa phượng với giọng hơi run, sắp lạc vì kiềm nén cảm xúc… “Thầy giảng bài như ngày xưa đi thầy”. Khi thầy bắt đầu giảng, cũng là lúc mỗi đứa chúng tôi, mỗi người một suy nghĩ… nhưng dường như ai cũng xúc động, khóe mắt mũi cay dần lên, dù cố cắn môi tự nhủ đừng khóc.
Mọi người kêu tôi diễn lại kỷ niệm xưa, và với tôi đó là một kỷ niệm mang đầy sự… ghen tức tuổi mới lớn.
Sau giờ học, cô giáo chủ nhiệm thông báo gọi tôi ở lại gặp cô. Thôi rồi có chuyện, tôi hồi hộp ngồi xuống một mình trước mặt cô, ánh mắt e ngại pha chút lo âu… Cô đưa mảnh giấy và hỏi: Bạch, ai viết cái này?
Đó là mảnh giấy viết tên hai đứa bạn “Cúc + Ngôn = Trái tim” mà tôi đã xếp thành máy bay giấy phóng lên chỗ bạn Cúc lúc cô đang viết bài trên bảng. Thật ra, tôi rất thích đôi mắt đen láy của bạn Cúc. Tôi tự nhủ đó là ánh mắt tôi yêu mến, sao bạn ấy cứ hay trò chuyện cùng bạn Ngôn làm tôi ghen tức… Điều này tôi không thể nói với cô mà chỉ dám thú nhận.
- Dạ, em viết và xếp thành máy bay phóng lên đó cô! Mà không chỉ mình em, nhiều bạn khác cũng phóng lên, mà em xui, bị bạn Cúc bắt được nộp cho cô đó chứ. Em biết lỗi của mình rồi ạ!
- Còn nhỏ, các em tập trung cho việc học, không chọc phá bạn như thế nữ nhé. Lần đầu cô tha…
Chúng tôi ghé qua nhà cô chủ nhiệm dạy văn ngày xưa. Cô và thầy thật sự xúc động không ngờ đám học trò ngày xưa chúng tôi nay lại tập họp nhau đông đủ như thế…
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: “Chúng tôi là một gia đình”
Tôi có một nhóm bạn, khoảng vài người, đã chơi thân với nhau từ 25 năm qua. Họ là “bạn” thực sự chứ không còn là “bè” vì trong suốt 25 năm qua, mỗi khi có chuyện, cần sự giúp đỡ, động viên, họ luôn là những người đầu tiên tôi nghĩ đến và cũng luôn là những người đầu tiên đến với tôi. Mỗi dịp 20.11 là chúng tôi lại tụ tập nhau đông đủ đến đến thăm thầy cô và cũng coi đó là một ngày để “đại gia đình” chúng tôi tụ họp nhau lại.
Cô giáo chủ nhiệm năm lớp 9 dạy môn Địa của chúng tôi rất tâm lý. Cô giống như một người mẹ, quan tâm giúp đỡ mọi học trò, chứ không đơn thuần chỉ dạy kiến thức… Đến 25 năm sau, dạy qua không biết bao nhiêu thế hệ học trò, cô vẫn nhớ rõ từng cái tên, tính nết từng đứa. Nhắc tên Phạm Hoài Nam, cô có thể nói lại tính nết của thằng Nam thời đó… Năm cấp ba, chúng tôi được học môn sinh do cô Thủy dạy. Rất nhiều thế hệ học trò ở Sài Gòn biết đến nick name của cô là “Phù thủy áo trắng”, bởi vì cô rất khó tính. Tôi khá thích môn Sinh nên luôn cảm thấy quý mến cô. Tuy khó tính nhưng cô luôn ẩn trong là một tình thương học trò.
Và chúng tôi vẫn tiếp tục “truyền thống” nhiều năm qua. Năm nay, nhân ngày tôn vinh người làm nghề giáo, buổi sáng tôi sẽ về khoa Nga trường đại học thăm thầy cô. Buổi chiều tôi cùng nhóm bạn về thăm các thầy cô cấp hai, cấp ba.
Người mẫu Hà Anh: Người thầy ngoại quốc và hình phạt hà khắc
Hai năm trước, khi còn học A Level ở trường Bromsgrove, tôi và người bạn người Việt thân nhất của mình được các thầy cô giáo rất yêu mến vì chúng là hai học sinh “sáng giá” (star-student), học rất giỏi các môn về kinh tế và kinh doanh.
Một kỳ học, tình cờ chúng tôi được xếp cùng một lớp, khỏi nói các bạn cũng biết chúng tôi vui mừng như thế nào. Ở trường có một thầy giáo nổi tiếng nghiêm khắc tên là Wingfield đứng dạy lớp chúng tôi, thầy dạy rất hay và được nhiều học sinh vừa yêu thích vừa nể sợ.
Một tiết học, chúng tôi cười đùa rúc rích với nhau, con gái mà bạn, nhiều chuyện để “tám” lắm và tất nhiên không qua được mắt thầy. Nghiêm nghị nhắc nhở lần đầu tiên nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vô kỷ luật, vẫn cười vô tư như chưa hề bị thầy nhắc. “Hà, Mai, hai đứa có dừng ngay lại không” – nhưng ngược lại chúng tôi còn cười to hơn khi nghe thấy thầy yêu cầu, mặc dù rất muốn dừng nhưng vì đụng ngay “cơn cười” nên chẳng thể dừng ngay được.
Thầy tưởng chúng tôi cố tình trêu thầy nên rất tức giận và kết quả là hai đứa đã bị kỷ luật, ghi vào “sổ đen”, cho dù là học sinh “cưng” chăng nữa. Hình thức kỷ luật quả thật “khủng khiếp”, chúng tôi bị bắt đứng nhìn thầy làm việc trong lớp học suốt một tiếng đồng hồ mà không được nói bất cứ câu nào, không được có bất cứ hành động nào, nói chung là đứng yên như tượng.
Đến lúc kết thúc, hai đứa người mỏi rã rời và chừa cái tật “tám” chuyện và cười vô kỷ luật trong lớp. Đó cũng là câu chuyện mà mỗi lần gặp lại đứa bạn thân, chúng tôi thường mang ra kể lại cho nhau nghe rồi cười khúc khích với nhau về những kỉ niệm chưa xa.
Diễn viên Khương Ngọc: Kinh doanh ngày 20/11 không thành
Năm lớp 8, tôi và vài người bạn đi bán hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Lần đầu kinh doanh, không mấy suôn sẻ nên bán rất chậm, đến tối rồi mà hoa vẫn ế rất nhiều. Mấy đứa rối trí quá chưa biết làm gì với số hoa còn lại, tôi liền gợi ý mang đến tặng thầy cô. Ý kiến đó được cả đám đồng ý và thực hiện một cách nhanh chóng đến không ngờ. Năm đó, hoa tặng thầy cô không được tươi, có lẽ các thầy biết cũng thông cảm với lũ học trò.
“Khương Ngọc là một người có diễn xuất không nằm trong một khuôn khổ nhất định, đó vừa ưu điểm vừa là khuyết điểm mà em phải khắc phục”, đó nhận xét của thầy chủ nhiệm lớp K8 tại ĐH SKĐA - thầy Nguyễn Văn Phúc. Chính thầy là người truyền đam mê và nhiệt huyết với nghề cho tôi. Thầy luôn nói về chuyện đạo đức nghề nghiệp cũng như những điều phải cẩn trọng khi quyết định trở thành một diễn viên. Thầy là người có phương pháp giáo dục mở và nhiệt tình trong công tác giảng dạy cũng như truyền tải kinh nghiệm cho sinh viên.
Thầy cũng là người khuyến khích các sinh viên tìm tòi những phương pháp học tập cũng như biểu diễn mới, cách tân. Thầy gần như ép buộc sinh viên phải nghiên cứu sách báo, băng đĩa, các lứa anh chị đi trước để có được những bài học cho cá nhân sinh viên. Thầy cũng rất tận tình chỉ bảo không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả các bạn khác trong lớp mỗi lần dựng vở trong trường. Thậm chí thầy còn uốn nắn từng động tác, từng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ cho sinh viên sao cho thể hiện nhân vật tốt nhất có thể.
Ca sĩ Nam Cường: món quà ý nghĩa là thành quả ca hát
Bản thân tôi là người nhút nhát từ lúc bé. Bố làm trong quân đội, mẹ là cán bộ nên có cách giáo dục con cái khá nghiêm khắc, bởi thế, tôi luôn thu mình khi học trong lớp. Đến tận lớp 10, khi được sự động viên của thầy dạy môn Sinh, tôi đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của đoàn trường.
Năm đó tôi bạo dạn dự thi Học sinh thanh lịch toàn trường - hoạt động chào mừng đúng ngày 20/11 và may mắn thay, tôi đoạt được giải nhất. Ngay sau đó, tôi cùng mấy người bạn đến tặng hoa thầy và từ đó chính thầy là người động viên tôi đi theo con đường ca hát. Khi biết tin tôi đoạt giải Yo! Cùng ước mơ xanh, chính thầy lại là người mang hoa đến chúc mừng trò.
Mỗi dịp 20.11, dù công việc rất bận rộn không có nhiều cơ hội về thăm thầy tại Đà Nẵng, nhưng tôi vẫn dành thời gian gọi điện chúc mừng thầy. Có lần tôi nói đùa thầy thích gì em tặng, thầy bảo chỉ thích nghe Nam Cường hát, em cứ ra đĩa là quà tặng đối với thầy rồi. Và thật tình cờ, album thứ hai có tên Thiên sứ cổ tích của tôi ra mắt đúng ngày 20.11 năm trước, cũng là một món quà tôi gửi tặng người thầy yêu quý. Năm nay tôi cũng có những món quà đặc biệt khác dành cho thầy cô của mình!
Ca sĩ Lương Bích Hữu: Cô giáo cấp một và những kỉ niệm buồn
Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy cô giáo vì thời học sinh luôn phải chuyển trường. Mỗi lần chuyển trường, được quen bạn mới, thầy cô mới, tôi rất vui, nhưng có một kỷ niệm buồn mà tôi không bao giờ quên. Lúc đó khoảng thời gian cấp 1, tôi yêu thích và học rất khá môn Toán, nhưng cô giáo dạy Toán, đồng thời cũng là cô giáo chủ nhiệm lại vô cùng khó tính.
Cô tên Thư, đeo mắt kiếng, có chiếc răng khểnh và tay lúc nào cũng lăm le thước để phạt học sinh nếu ăn quà vặt hay, nói chuyện riêng hoặc không làm bài tập. Vì hay ăn quà vặt trong lớp, nên tôi bị chuyển từ bàn ở giữa lớp lên bàn đầu, từ đó rất sợ cô, không dám ăn quà vặt nữa mà chuyên tâm học hành hơn vì kì thi tốt nghiệp cũng sắp đến.
Sau khi thi xong, mặc dù chưa có kết quả, nhưng cô cũng tổ chức cho lớp một buổi liên hoan rất vui. Lúc đó, cô lại khác hẳn, vẫn nghiêm khắc nhưng dịu dàng hơn, nhỏ nhẹ nhắc nhở học sinh những điều cần nhớ khi chuyển cấp. Các bạn sợ nhưng cũng rất yêu quý cô. Sau đó, khi có kết quả thi tốt nghiệp, tôi và các bạn lên trường xem kết quả thi, cũng là lúc nhận được tin cô đã mất vì ung thư. Mọi người rất buồn và lặng lẽ qua nhà thắp hương cho cô.
Từ đó, năm nào, lớp tôi cũng cố gắng đến thăm cô vào ngày giỗ cũng như ngày 20/11. Bây giờ thì phần lớn các bạn cấp 1 của tôi đã ra nước ngoài, còn tôi bận những chuyến lưu diễn nên thỉnh thoảng mới ghé qua nhà thăm cô. Mỗi lần đến thăm cô là mỗi lần nhớ lại những năm tháng học trò đó, thấy thương cô nhiều lắm và cũng thấy tiếc một thời đã qua đi không trở lại.
MC Nguyên Khang: Nôn nao đến ngày 20/11
Cứ đến 20/11, tôi lại nôn nao khi có cơ hội trở về thăm mái trường cũ. Với tôi, 12 năm phổ thông và 5 năm đại học thực sự là quãng thời gian có rất nhiều kỷ niệm với các thầy cô. Những câu chuyện nếu kể ra chắc cũng sẽ dài như những chuyện ngàn lẻ một đêm, buồn cũng có mà vui thì rất nhiều. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là năm học lớp 3 của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3, TP.HCM). Tôi là lớp trưởng nên luôn phải làm gương trong lớp về học lực và hạnh kiểm. Chính vì vậy, không khi nào tôi rơi ra khỏi top 3 của lớp.
Thầy cô rất thương tôi, và vì có thêm tài lẻ ca hát nên tôi thường được tiến cử tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Tôi nhớ một lần, cô giáo lớp 3 - cô Bích, áo tôi bị đứt nút, cô đã dùng kim đơm lại cho tôi ngay tại lớp học. Những hình ảnh gần gũi và thân thương đó thực sự đã in sâu trong trí nhớ của một cậu học sinh lớp 3 ngày ấy, và dù đi đâu về đâu tôi cũng dành thời gian mỗi năm về thăm trường xưa và thăm các thầy cô…
Thời gian sẽ trôi qua, nhưng những gì là ký ức đẹp thì vẫn mãi luôn đọng lại trong tâm trí tôi mỗi khi ngày 20/11 đến. Qua đây tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và niềm vui đến các thầy cô, “những người đưa đò” thầm lặng. Mong các thầy cô hãy luôn tin rằng, khi qua đến bến bờ tri thức, chúng em vẫn luôn nhớ về thầy cô và luôn dành tình yêu chân thành nhất với những người đã dạy dỗ chúng em nên người.
Theo Xzone
|