GS-TS Trần Văn Khê giới thiệu chương trình Hát Bội 2008. Ảnh: KHÁNH VÂN
Ôn lại quãng đời xưa, tôi thấy trước kia đã nhiều lần tôi đóng vai “người dẫn chương trình” mà trên các báo hay tờ áp-phích đều ghi “Người giới thiệu chương trình TVK”. À, thì ra tôi đã đóng vai trò đó từ thuở xa xưa mà không biết rằng mình đã từng làm “MC”!
Năm 1939, tại Trường trung học Trương Vĩnh Ký, tôi đang ở lớp Tú tài năm I (I ère annee secondaire) và đã có sáng kiến tổ chức một buổi văn nghệ, gồm có nhiều tiết mục ca, nhạc, kịch và một cuộc lễ đưa Ông Táo về Trời. Trong phần nghi lễ đưa Ông Táo, tôi có nhiệm vụ đóng vai chủ lễ, vừa quỳ lạy, khai xá hạt. Sau đó, khi Ông Táo lên Trời, tôi lãnh phần làm Táo quân đọc sớ, thuật lại những sự kiện xảy ra trong năm học, kể công, kể tội với một giọng trào phúng.
Các bạn thấy chăng, từ 18 tuổi, tôi đã bắt đầu đóng vai “người giới thiệu chương trình” tại Trường trung học Trương Vĩnh Ký. Tiếp tục luôn hai năm 1940-1941, tôi đều tổ chức chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục khác nhau.
Từ năm 1941 đến 1944, tôi ra Hà Nội, học tại “Trường thuốc” (Đại học Y Dược) của Trường Đại học Hà Nội. Vừa mới ra đất Bắc, chúng tôi (Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiễng và tôi) đã xung phong lãnh những vai trò khó khăn trong việc tổ chức một đêm hát của sinh viên, mang tên “Soiree des Etudiants”, dưới sự bảo trợ tinh thần và vật chất của Tổng hội sinh viên. Liên tiếp trong hai năm 1942-1943, tôi được trường đại học giao phó việc dàn dựng và giới thiệu chương trình. Mỗi đêm như vậy, tôi vừa là người giới thiệu chương trình, vừa là chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn những tiết mục đã chọn lựa. Có ai đi học “Trường thuốc” mà sinh hoạt chính lại là lo việc âm nhạc và sân khấu, lại còn được làm “MC” mà không biết mình là “MC” như tôi?
Đến năm 1944, nạn đói bắt đầu hoành hành ở Hà Nội, trường đại học đóng cửa ba tháng. Một số sinh viên yêu nước nghe lời kêu gọi của các bạn Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiễng đã quyết định “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Trở về miền Nam, các bạn Huỳnh Văn Tiễng, Hồ Thông Minh, Phan Văn Chức và một số diễn viên trẻ đã cùng tôi dàn dựng một chương trình ca nhạc kịch của sinh viên Đại học Hà Nội, đi lưu diễn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, góp được một số tiền mua gạo gửi ra miền Bắc cứu đói.
Chúng tôi đi như thế trong vòng 5, 6 tháng và đã tổ chức tại Sài Gòn nhiều chương trình diễn tại rạp hát lớn và ở quán Aristo (là một quán nhảy). Vì vậy, trong mỗi đêm tôi là người chào quan khách, dẫn chương trình và cám ơn những nhà hảo tâm. Chúng tôi còn đi khắp Hậu Giang tổ chức những chương trình ca nhạc kịch để tham gia vào công tác của Ban Tuyên truyền Nam bộ, do anh Đặng Ngọc Tốt làm trưởng đoàn. Như vậy, mỗi đêm tôi là người dẫn chương trình, chỉ huy dàn nhạc quân đội và đơn ca. Trong suốt thời gian kháng chiến, tôi vẫn còn làm nhiệm vụ của một nghệ sĩ ca tân nhạc, chỉ huy dàn quân nhạc, người dẫn chương trình (lại đóng vai trò “MC” mà không biết mình là “MC”!).
Năm 1949, sau khi bị bắt nhốt tại “Bot Catinat”, chung một lúc với GS Nguyễn Văn Hiếu, GS Trần Thọ Phước, tôi bị bệnh trĩ khá nặng. Các bạn khuyên tôi nên tìm cách lánh mặt một thời gian, có thể sang Pháp vừa trị bệnh, vừa học thêm trong một vài năm rồi trở về nước. Đến Pháp, tôi liên hệ với những đoàn thể Việt kiều tại đây để tổ chức những buổi giới thiệu văn nghệ Việt Nam cho người Việt sống tại Pháp lâu năm và cho người Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến biết thêm về văn nghệ nước nhà. Từ năm 1949 đến 1951, mỗi năm làm lễ Tết cho Hội người Việt tại Pháp, tôi luôn giữ vai trò giới thiệu bài hát cùng các vở tuồng.
Năm 1959, tôi lập ra Trung tâm học nhạc Đông phương CEMO (Centre d’Etudes de Musicque Orientale). Mỗi tháng khoảng 1 lần tôi trực tiếp giới thiệu chương trình đặc biệt về nhạc Việt – Ba Tư – Trung Quốc – Ấn Độ và mỗi năm 1 lần tổ chức và giới thiệu cho chương trình Concert de Midi (Những buổi hòa nhạc vào 12 giờ trưa) tại Đại học Sorbonne cho sinh viên cùng nghe. Đến năm 1970, Trung tâm Centre Mandapa (chuyên dạy và biểu diễn nhạc châu Á) mời tôi tham gia Hội đồng danh dự và tại đây, khi có chương trình biểu diễn nhạc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, tôi lại được mời đến để… dẫn chương trình!
Năm 1988, tôi hưu trí tại Pháp. Từ chức bên Hội đồng quốc tế âm nhạc, không dạy Đại học Sorbonne, đóng cửa Hội CEMO. Lúc này tôi nghĩ mình sẽ được thảnh thơi. Thế nhưng đây lại là lúc các trường đại học châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á mời tôi về thỉnh giảng nhiều nhất. Mặc dù được mời giảng về vấn đề lý thuyết nhưng mỗi lần giảng tôi đều kèm theo một chương trình nghệ thuật về âm nhạc châu Á mà trong đó, tôi phải vừa dẫn chương trình vừa biểu diễn. Bắt đầu từ năm 1976, tôi trở về Việt Nam hàng năm để làm việc và đi điền dã.
Suốt thời gian này, tôi vừa dạy học vừa dẫn chương trình mỗi khi có buổi sinh hoạt giới thiệu âm nhạc Việt Nam và âm nhạc châu Á tại Viện Nghiên cứu âm nhạc và múa do giáo sư Lưu Hữu Phước làm viện trưởng. Sau năm 1985, khi cộng tác với hai cơ quan quốc tế là Les Rencontres du Vietnam (Những cuộc gặp gỡ tại Việt Nam) do hai vợ chồng Giáo sư Thanh Vân - Kim Ngọc điều khiển và YPO (Young Persident Organisatian) mà trong đó, hội viên là các tổng giám đốc doanh nghiệp dưới 50 tuổi, tôi lại thường xuyên chịu trách nhiệm tổ chức các đêm văn nghệ Việt Nam để giới thiệu về bộ môn nghệ thuật dân tộc với họ. Có lần, trong vai trò người dẫn chương trình, tôi đã phải giới thiệu từ đầu đến cuối cả một chương trình âm nhạc dân tộc bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp suốt 2 tiếng đồng hồ!
Từ năm 1938 đến nay, tính ra đã 70 năm và cách đây bốn năm, lúc 84 tuổi, tôi vẫn còn dẫn chương trình một đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội. Năm 2006, 86 tuổi, tôi còn “giữ vai trò” dẫn chương trình liên tục trong bốn đêm. Các bạn có thấy tôi là người dẫn chương trình xưa nhất, lâu nhất và già nhất hay không?
GS-TS Trần Văn Khê
|