MC Quỳnh Hương: Hết mình với từng chương trình
Hiện thời với Đài Truyền hình TP. HCM, Quỳnh Hương "đến hẹn lại lên" với các chương trình Thay lời muốn nói do chị biên tập, Nhịp cầu âm nhạc và Trò chuyện cuối tuần.
Ngoài ra, mật độ xuất hiện trên sóng truyền hình của chị rất dày, nhiều chương trình, những sự kiện lớn truyền hình trực tiếp quan trọng nhà đài phía Nam đều chọn Quỳnh Hương để "gửi vàng".
Vẻ đẹp dịu dàng, nền nã và khả năng làm chủ sân khấu khá tốt, lối dẫn dắt duyên dáng, mạch lạc đã giúp Quỳnh Hương "ghi điểm" không chỉ với ban tổ chức (BTC) mà còn đậm dấu ấn với khán giả trong năm qua.
Ngoài kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị còn được điểm cộng nữa chính là nhờ khả năng dẫn chương trình bằng song ngữ Anh - Việt, và đôi khi trong trường hợp khẩn cấp, có thể dịch nóng những lời phát biểu hoặc các tình huống tại chỗ.
Tổng kết lại một năm đã qua, MC Quỳnh Hương tâm sự: Cật lực, bận rộn nhưng khá hài lòng, việc được giao đều làm "chắc tay", không phải hối hận nhiều. Nhưng có cái hơi tiếc, chính vì quá lu bù nên chương trình Thay lời muốn nói do chị phụ trách cũng không được "toàn tâm, toàn ý" nghĩ ra chiêu này, chiêu kia để làm đa dạng như trước đây. Một phần vì giờ phát sóng bị đẩy lùi đến gần 11h đâm... nản.
Bù lại, bị cuốn vào nhiều chương trình mới, những cuộc dẫn dắt và khai phá miền đất mới nên năm nay có nhiều kỷ niệm với Quỳnh Hương. Chị kể "Mỗi chương trình đều đọng lại những kỷ niệm khó quên, nhất là đối với một phụ nữ hơi thừa cảm xúc như mình!
Ấn tượng lớn nhất có lẽ là với chương trình Hoa do báo Thanh niên thực hiện để chào mừng Festival Hoa Đà Lạt. Trời lạnh như cắt, chỉ 12 độ C, mình đã mặc đến 2 lớp áo cổ lọ, khoác thêm áo len, đầu đội mũ dẫn chương trình mà mỗi khi máy không lia đến đều phải nhảy tưng tưng để... chống đông cứng. Vậy mà "sung" quá, hò hét một hồi, hết chương trình, lên xe về nhà, phát hiện ra... tắt tiếng. Hậu quả dài lâu, nhớ đời! Đó có lẽ cũng là chuyến đi vất vả nhất.”
Tin vui cuối năm là MC Quỳng Hương lọt trong nhóm "5 ứng cử viên trong top bình chọn" của giải Mai Vàng cho Người dẫn chương trình. Những nỗ lực của Quỳnh Hương đã được nhiều người đón nhận nên chị bật mí kế hoạch mới trong năm 2006 là "nâng cấp" để kéo khán giả vào với Thay lời muối nói đông vui như trước đây bằng những hoạt động rất hấp dẫn: Thay lời muốn nói: Hẹn yêu phát sóng đến nửa đêm ngày 12/2, truyền hình trực tiếp từ Phim trường của Đài, cho khán giả là những đôi tình nhân trực tiếp nhắn tin tham gia tỏ tình; chương trình cũng được truyền trực tiếp vào ngày 7/3 tại Nhà hát Bến Thành.
Đây cũng được xem như lễ mừng sinh nhật tuổi lên 6 của Thay lời muốn nói. Ngoài ra, trong năm sau Thay lời muối nói cũng cố gắng xúc tiến việc phối hợp với trung tâm truyền hình Cáp HTVC và trang web của Đài thực hiện chương trình online, phục vụ vươn đến đối tượng khán giả Việt sống xa Tổ quốc.
MC Thanh Bạch: Đâu có chương trình "nóng"... ở đó có anh
Năm qua có nhiều kỷ niệm và dấu ấn đối với MC Thanh Bạch, đầu năm "rinh" về cùng lúc giải Mai Vàng và giải Cù nèo Vàng. Giữa năm, bất giờ khi được phong tặng "Kỷ lục gia Việt Nam với danh hiệu "Người dẫn nhiều chương trình giải trí Truyền hình nhất Việt Nam" và tin mới nóng hổi là được ĐTH Việt Nam chọn là khuôn mặt truyền hình yêu thích của năm.
Mỗi một chương trình Thanh Bạch đều để lại một dấu ấn rất riêng. Game show Nốt nhạc vui luôn đầy ắp người xem, và được thưởng thức những trận cười nghiêng ngả do chất hài hước mà anh mang lại. Games show đang rất "hot" trên ĐTH TP. HCM Chuyện nhỏ lại hấp dẫn riêng vì khả năng... hồn nhiên của anh.
Duyên hài và lối ứng xử nhạy, khả năng sân khấu với các "món" khiêu vũ, diễn tấu hài, kịch câm, múa hát đã làm anh toả sáng và là gương mặt được mời chào rất nhiều, Thanh Bạch bộc lộ bí quyết trên tất cả chính là niềm đam mê nghề, luôn giữ được sự hưng phấn trong công việc.
Có lẽ thú vị nhất trong năm nay là chương trình Duyên dáng Việt Nam biểu diễn tại Úc, cũng là lần đầu tiên tiết mục hài giữa Thanh Bạch và Ngô Mỹ Uyên và Xuân Hương (lồng tiếng cho con rối) thành công ngoài dự kiến - tiết mục được diễn song ngữ Anh - Việt.
Đối với người nghệ sĩ những tràng cười của khán giả và tiếng vỗ tay là niềm hạnh phúc khó tả bằng lời. Và trong năm mới, anh sẽ xuất hiện trong một chương trình hoàn toàn mới mẻ với tên gọi Tại sao không cộng tác với MC Thu Uyên, phát sóng trên ĐTHVN, đây là chương trình gặp gỡ, trao đổi với những nhân vật dám nghĩ, dám làm... những người có những bước rẽ trái bất ngờ trên bước đường sự nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở khắp mọi niềm đất nước... qua đó kích thích lòng say mê, sáng tạo của các bạn trẻ.
Ngô Thanh: Biên tập viên, speaker chương trình thể thao Đài PTTH Hà Nội
Trong rất nhiều sự kiện thể thao quan trọng như Euro Cup 2004, Sea Games 22, 23 có không ít khán giả chỉ xem qua điểm tin thể thao của CTV nhưng lại có ý thức để dành thời gian và sự chú ý vào các Talk Show của anh. Họ cho rằng các cuộc trò chuyện về sự kiện thể thao là "sân mạnh" của Đài Hà Nội?
Từ năm 1990, Đài chúng tôi đã mở đầu cách làm chương trình theo kiểu Talk Show và theo thời gian chúng tôi vẫn giữ được tầm cỡ của mình. Chúng tôi có may mắn được kế thừa, cũng không dám so sánh với VTV nhưng quả thực là khán giả tự hào vì luôn giữ được bản sắc của mình.
Khách mời để trò chuyện về thể thao không có nhiều lựa chọn, các nhân vật dễ bị lặp lại và anh có bị khó để cho cuộc đối thoại luôn mới với những người không mới?
Người hoạt động trong lĩnh vực thể thao có nhiều nhưng người có kiến thức tổng hợp không nhiều, chương trình dễ bị nghèo khách mời. Vẫn những người cũ nhưng câu chuyện không cũ, đấy là công việc của người dẫn. Ngay trong một Talk Show, tôi luôn ý thức để không lặp lại một câu nói 2 lần.
Thế nào là một cuộc trò chuyện thành công và làm anh cảm thấy hài lòng?
Tôi không hứng thú với các cuộc bình luận sau chiến thắng, lời khen tưng bừng dễ dãi và lúc nào cũng giống nhau. Tôi thích khai thác những ý kiến tinh tường, nhạy bén sau thất bại. Đó là những cuộc nói chuyện có ích và đầy thú vị.
Để có những cuộc nói chuyện không làm khách mời và khán giả buồn ngủ, theo anh một MC phải có "vũ khí" gì?
Tôi cho rằng người dẫn chương trình trước tiên phải là mộtngười viết được, biên tập được. Nếu họ chuyên dẫn về một vấn đề nào đó thì không có nghĩa họ chỉ nạp và bổ sung kiến thức về vấn đề này, họ cần có một phông tổng hợp về văn hoá. Bản thân tôi chỉ tìm hiểu về thể thao khi cần. Tôi đam mê nhiều cái khác ngoài thể thao.
Có những MC hình thức đẹp, nói năng lưu loát mà vẫn không thể chinh phục được người xem?
Tôi cho rằng duyên với nghề rất quan trọng. Ngoài ra người đấy thực sự phải có tâm, nếu làm một cách đối phó hoặc vì mục đích khác thì khán giả sẽ cảm nhận thấy ngay. Với tôi câu "lương tâm nghề nghiệp" rất cần nhưng chưa đủ, phải có "tự ái nghề nghiệp" nữa thì mới không bị tụt hậu.
Và sở thích chính của anh là...?
Nghe nhạc, tham gia mạng Audifile tìm hiểu các thiết bị mới cho âm nhạc. Tôi học tiếng Trung nên rất thích sưu tầm về nghệ thuật tranh tượng, phim Trung Quốc. Tôi dành thời gian cho những sở thích đó còn hơn cho gia đình mình, kể ra như thế cũng không hay, tôi biết thế nhưng tôi là người hơi cực đoan đã thích thì cực kỳ thích, còn đã không thích thì không có cách nào bắt được.
Anh giàu kiến thức và có khả năng thẩm nhạc khá tốt tại sao không tham gia thêm vào các CT âm nhạc của Đài?
Tôi mà làm về nhạc thì chưa chắc tôi đã yêu âm nhạc đến thế. Tôi quan niệm chơi và làm là 2 việc khác nhau. Không nên tham mà nhập nhằng chúng với nhau.
Mỹ Linh: MC của chương trình (CT) "Văn hoá - Sự Kiện - Nhân vật" phát sóng 9h sáng thứ bảy hàng tuần
Đã từng lên hình trong chương tình "24 hình /giây" khán giả có thể nhớ mặt nhưng không nhớ tên của chị lắm. Còn bây giờ nhiều người gọi tắt chương trình "Văn hoá - Sự kiện - Nhân vật" là "chương trình Mỹ Linh". Chị có cảm thấy mình đã trưởng thành qua thời gian?
Nếu nói là bây giờ tôi dẫn tốt hơn thì có thể bởi cũng "già" hơn, kiến thức đầy đủ hơn và cũng có thể bởi khán giả xem nhiều chương trình trò chơi rồi nên thấy kiểu "chat" của tôi là lạ chăng?
Chị tự tin và thoải mái trước ống kính, phong các này có thể do luyện tập mà nên?
Tôi chỉ có vẻ thoải mái thôi chứ thực ra nhiều khi cũng runlắm. Nhưng đúng là bây giờ tôi thoải mái trước ống kính hơn trước đây.
Có thể vì đã tự giải phóng được mình khỏi cái ám ảnh của những ngày mới vào nghề, ví dụ như lúc nào cũng muốn khi lên hình phải "xinh" chẳng hạn. Bây giờ thì biết rằng mình có thể làm được gì và không làm được gì nên nhẹ nhàng hơn về tâm lý.
Khán giả nhiều khi gặp mâu thuẫn - họ rất thích những MC tự tin, chủ động xử lý tình thế nhưng lại không thích khi người đó quá tự tin. Đó cũng là phản ứng chung của người đời, chị nghĩ sao về điều đó?
Xã hội hiện đại luôn cần và trọng những người tự tin nhưng không kiêu ngạo. Tôi nghĩ tôi tự tin nhưng chân thành, không ảo tưởng, không "tiểu xảo" và khách mời của tôi luôn nhận ra điều đó.
Chị thường chia sẻ khó khăn và khúc mắc trong công việc với ai?
Tôi có một tật xấu, có thể nói là tệ nhất là hiếm khi chia sẻ khó khăn với bất cứ ai. Phàn nàn, than thở ti tí theo kiểu phụ nữ thì có nhưng chia sẻ thật sự thì ít. Thế mới tệ chứ!
Mỹ Linh yếu đuối? Trông sẽ như thế nào nhỉ?
Hình dung lúc tôi yếu đuối làm gì, dễ lắm, giống như đại đa số phụ nữ thôi! Nhưng còn phải hỏi yếu đuối trong trường hợp nào chứ. Yếu đuối trước một món đồ đẹp: Cố gắng bỏ đi, ba vòng quay lại để mua một giá đắt hơn những người khác. Trước một món ăn ngon khi vòng eo đang ngày càng to. Tặc lưỡi, ăn đại rồi mai nhịn. Trước một người đàn ông cực kỳ quyến rũ. Lâu lắm rồi không gặp ai như thế nên... không sợ!
Chị học được điều gì ở những nhân vật của mình?
Học được rất nhiều điều và cả một điều là phải tự tin vì lần nào phỏng vấn họ cũng đều yêu cầu tôi "hỏi kho khó vào nhé". Thanh Lam có lần còn cáu vì bị tôi hỏi nhạt.
Ai trong số họ gây gấn tượng nhiều nhất với chị?
Tôi thích nhiều người nhưng có lẽ chán nhất là những người đến với tivi chỉ để được nghe "nịnh", cũng may là tôi mới gặp một hai trường hợp.
Nếu có một bạn gái nhút nhát, muốn tìm một lời khuyên để thay đổi mình. Chị sẽ nói gì với cô gái đó?
Đấy là hình ảnh của một cô bé đấy. Nghịch lắm, nhưng lại đặc biệt thiếu tự tin, dễ tổn thương, rất hay khóc thầm. Tôi chỉ nghĩ rằng ai cũng có một khả năng nào đó, một thế mạnh nào đó, điều quan trọng là phải tự khám phá mình để biết mình là ai và phát huy thế mạnh ấy, tìm ra cho mình một giá trị. Và chẳng có cách khám phá mình nào hiệu quả bằng làm việc.
Lại Văn Sâm: MC của chương trình (CT) "Ai là triệu phú" - phát sóng vào 20h thứ Ba hàng tuần
Trước khi khởi động làm "Ai là triệu phú", những người làm chương trình có "lường" được trước rằng nó sẽ thành công như thế này?
Có chứ. Chúng tôi mua bản quyền CT của Celador (Anh) khi biết chắc rằng đây là chương trình truyền hình ăn khách số 1 ở Anh cũng như ở các nước đã mua nó.
Nghe nói Việt Nam "suýt nữa" là quốc gia đầu tiên ở Châu Á có Show Game này?
Năm 1998 chúng tôi đã dự định mua nhưng vì trò chơi này liên quan đến mức tiền thưởng cao, điều kiện chưa cho phép nên đến tận đầu năm 2005 chúng tôi mới thực hiện nổi. Trung Quốc và Indonsia đã kịp có trò chơi này trước ta.
Đây hẳn là một chương trình khó làm, nên một "lão tướng" như anh mới phải đích thân ra tay. Theo dõi TH các nước, những chương trình tương tự như "Ai là triệu phú" chỉ thành công dưới tay của những MC lớn tuổi - lớn cả về danh hiệu?
Tham gia trò chơi là những người có tầm hiểu biết tương đối, người chơi có một độ tuổi, chính vì vậy, cần một người dẫn có độ dày kinh nghiệm và cách ứng xử về mặt tâm lý.
Theo anh một MC thế nào mới đủ "sức" để gánh "Ai là triệu phú"?
Kịch bản của chương trình rất chặc chẽ, đòi hỏi MC phải phối hợp chuẩn đến từng giây với ánh sáng, âm nhạc. Qua mỗi chặng 5 câu hỏi, là một lần đổi phông ánh sáng, âm thanh, khán giả TH có thể thấy cuốn hút hơn những người chơi dễ bị căng thẳng hơn. Nhiệm vụ của tôi là phải nâng đỡ về mặt tinh thần cho người chơi. Càng vào sâu đến vòng trong người chơi càng cảm thấy cô đơn. Vì lúc đấy chỉ còn một luồng ánh sáng duy nhất rọi vào họ. Hiệu quả sân khấu cũng như người dẫn tạo kịch tính nhưng không gây căng thẳng.
Chắc là không thể tránh được việc anh có mức cảm tình khác nhau với những người chơi?
Đúng. Tôi cảm tình với những người thông thái, tự tin. Còn những trường hợp quá run rẩy, không thể kiểm soát được mình thì không chỉ riêng tôi mà khán giả cũng cảm thấy chán, muốn họ kết thúc nhanh.
Khi ngươi chơi bắt đầu vào game, anh có linh cảm được rằng họ có thể hoặc không thể vào sâu vòng câu hỏi trong?
Tôi nghĩ là linh cảm của tôi thường đúng 80%. Tôi cảm thấy được bản lĩnh, độ hiểu biết và một chút may mắn nào đó ở họ.
Như một MC, có lúc nào anh gặp phải phản ứng không đồng tình của khán giả?
Không ít khán giả gọi điện đến thắc mắc về cách dẫn của tôi. Họ nói tôi quá tự tin, kiêu ngạo, đùa cợt với người chơi... Tôi nghĩ đấy là những người khó tính, khắt khe. Tôi cho rằng cần làm hết mình cho công việc được hiệu qủa nhưng phải giữ được cái tôi.
Nhiều người than phiền về việc tăng thời lượng quảng cáo - làm họ có cảm giác bị ăn bớt.
Đấy là băn khoăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay. Thực ra nội dung chương trình không bị bớt (vẫn 45 phút) nhưng thời gian quảng cáo tăng làm người xem thấy sốt ruột, bực mình. Chúng tôi cũng muốn tìm cách tăng giá quảng cáo để giảm bớt số lượng nhưng như thế chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước.
Nhìn đội ngũ của MC của đài, có lẽ chưa thấy ai có thể thay thế anh trong "Ai là.." vậy là anh sẽ còn bị ràng buộc ở vị trí đối diện "ghế nóng" chưa biết đến bao giờ?
Bị bó chân dẫn mãi trong một chương trình rất khó cho người làm công tác quản lý như tôi, vì thế tôi luôn ý thức tìm một người dẫn thay thế để không bị rơi vào thế bị động. Tôi có đưa ra một vài phương án MC thay thế, nhưng có lẽ các bạn đó có vẻ như chưa sẵn sàng về tinh thần, hy vọng rằng trong hoàn cảnh tôi không thể tham gia được nữa vẫn sẽ có người đảm nhiệm được trò chơi này.
Theo Người đẹp VN
|