Việc thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật là đồng nghĩa với cả việc xem trang phục biểu diễn "hở trên, hụt dưới, trong suốt".
Trong chương trình truyền hình trực tiếp đêm 25.6.2011 trên VTV1 vở kịch "Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp", gần như tất cả khán giả xem truyền hình đều bất ngờ với một màn "khoe" vòng 1 đến khoảng vài phút của một nữ diễn viên trong một cảnh được xem là bi kịch, gây phản cảm cho cả vở diễn.
Đó cũng là một pha gây sốc của thảm họa "hở trên, hụt dưới, trong suốt" mà các nữ diễn viên, ca sĩ VN hiện nay đang không tiếc thân mình để ...cống hiến. Nhưng nó chỉ khiến xã hội thêm bức xúc, vì cái nhàm, cái nhảm, cái dung tục và cái dễ dãi của họ.
Xu hướng "khoe" các vòng
Có lẽ chưa bao giờ sân khấu, sàn diễn ở VN lại thoáng như bây giờ về trang phục biểu diễn. Vài năm trước không xa, mỗi một chương trình biểu diễn nghệ thuật đều có diễn phúc khảo, duyệt cả trang phục có phù hợp với chương trình và thuần phong mỹ tục Việt hay không.
Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, việc thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật là đồng nghĩa với cả việc xem trang phục biểu diễn "hở trên, hụt dưới, trong suốt". Hay nói một cách sống sượng là xem biểu diễn nghệ thuật, xem luôn cả da thịt của các nữ ca sĩ, người mẫu, diễn viên.. .
Vấn đề này đã trở thành phổ biến và như một "mode" thời thượng đua nhau xem ai hơn ai của các diễn viên nữ. Cứ mỗi lần xuất hiện thì họ lại thoáng hơn với những trang phục gây sốc nhiều hơn bởi những sự ít vải, thừa da thịt, luôn tạo những sự cố trên sân khấu kiểu "hở" dưới, "tụt" trên, lộ vòng một, vòng ba.
Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo ngành văn hóa đã phải nhắc nhở một hoa hậu Việt trong vai trò MC cho một chương trình thi hoa hậu quốc tế phải mặc sao cho đẹp mắt và hợp thuần phòng mỹ tục Việt, bởi chính cô ta trong một buổi làm MC cho cuộc thi hôm trước đã mặc một cái váy gần như lộ hết vòng 1 cho tất cả khán giả tại chỗ và khán giả truyền hình trực tiếp "mãn nhãn"
Hay trong một văn bản mang tính hành chính ở một buổi lễ trao giải ngành điện ảnh tháng 3.2011, bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, đã phải "gợi ý":"...vận trang phục đẹp, thanh nhã cho các nữ diễn viên, nghệ sĩ tham gia được hiểu trên tinh thần hướng về cội nguồn, hướng về dân tộc", bởi mọi người quá sốc vì những trang phục khoe thân đến phản cảm, lố bịch và kệch cỡm trước đó trong mấy sự kiện của các nữ diễn viên, nghệ sĩ trước công chúng khán giả.
Cũng không lạ gì với những nữ diễn viên biểu diễn trên sân khấu với trường phái "áo không quần" nghĩa là có quần cũng như không bởi độ siêu ngắn đến không biết gọi là gì cho lịch sự. Hay mặc váy nhưng ngắn đến độ chỉ cần nhấc chân lên tí là "không có gì là không biết". Một trường phái khác là luôn mặc những cái váy mà nguy cơ "tụt", hay "rơi" luôn rình rập bất cứ lúc nào. Lại có cả trường phái mặc trang phục biểu diễn "cởi", "mở" , để sau cùng chỉ như một bộ bikini cách điệu trên sân khấu với sự phô diễn da thịt đến tối đa có thể.
|
Diễn viên Lý Nhã Kỳ khiến dư luận "dậy sóng" khi diện trang phục quá hở hang trong vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên"
|
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ở quy định 47 của Cục Nghệ thuật biểu diễn về "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" ban hành năm 2004 có ghi các hành vi bị cấm. Đó là "Đối với nghệ thuật ca múa nhạc hiện đại: Hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu.
Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu Âu: Phục trang, hóa trang trái với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp với đặc trưng loại hình nghệ thuật, không đúng với tính cách nhân vật và nội dung thể hiện giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật".
Cần phải gióng hồi chuông cảnh báo về thẩm mỹ của phái đẹp trong giới nghệ sĩ, nhất là giới trẻ. Vì các kiểu trang phục phản cảm, thậm chí không còn giữ thuần phong mỹ tục VN sẽ không chỉ làm dung tục hóa sân khấu biểu diễn mà còn làm hỏng môi trường văn minh văn hóa Việt.
|
Thế nhưng, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này luôn bất cập. Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL), phàn nàn vấn đề trang phục biểu diễn của nghệ sĩ từng đã nhiều lần được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn tại các cuộc họp của Quốc hội nhưng nhiều năm nay tình hình này vẫn chưa được giải quyết. Theo Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, ban hành năm 2004, rất nhiều hành vi có thể bị cấm, thế nhưng các ca sĩ dường như cố tình phớt lờ điều này.
Hiện nay, khi xét duyện một chương trình nghệ thuật, sở VH-TT-DL các địa phương thường chỉ chú ý đến phần nội dung còn việc ăn mặc thế nào thì rất lơ là. Ngay cả việc diễn phúc khảo để cấp phép, thì khi được phép rồi, họ có làm sai lạc đi về trang phục thì cũng không ai nói gì. Trong trường hợp có sự phản ứng của khán giả thanh tra mới vào cuộc và có ý kiến lên trên. Nhưng để phạt diễn viên mặc trang phục phản cảm thì còn quá nhiều ý kiến không thống nhất.
Lúng túng và bỏ ngỏ...
Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi các Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố để yêu cầu xử lý nghiêm khắc những trường hợp trang phục "trong, mỏng và ...ngắn dần" này. Theo đó, dựa trên Điều 16 Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010, của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, đối với hành vi "mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam" sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng...".
Thứ trưởng Lê Tiến Thọ cũng cho rằng, kiểu ăn mặc quá đà của các nghệ sĩ hiện nay phải cấm. Tuy nhiên, muốn thể hiện thành văn bản, ngắn đến đâu, hở đến đâu, thế nào là phản cảm, thế nào là không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam thì rất khó. "Trên thế giới, vấn đề này cũng chưa có văn bản cụ thể nào. Do đó, muốn giải quyết tốt, các đơn vị trực tiếp cấp phép phải có trách nhiệm nhắc nhở nhà tổ chức, các nghệ sĩ".
Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: "Xét về góc độ chữ nghĩa, trái thuần phong mỹ tục là chung chung, nhưng lại cụ thể- xét theo quan niệm xã hội Việt Nam, những gì chướng tai gai mắt là không được, lên sâu khấu phụ nữ hở hang quá là không được. Hoặc lộn xộn về giới tính, nam giới mặc nhiều khi như phụ nữ"....
Thực tế, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này luôn bất cập. Đáng buồn là dự thảo lần 7 Nghị định về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật lại không có dòng nào quy định trang phục biểu diễn.
Thời mở cửa, rồi "toàn cầu hóa", rồi "đối thoại với các nền văn minh"... sự du nhập phong cách thời trang của nước ngoài vào VN đã trở thành bình thường. Nhu cầu ăn mặc đẹp đã trở nên thông dụng, không chỉ "ta về ta tắm ao ta" với áo dài, áo bà ba hay những trang phục "kín cổng cao tường". Nhưng không thể cứ ăn mặc "hở trên, hụt dưới, trong suốt" là nói lên được sự văn minh, hội nhập.
Cần phải gióng hồi chuông cảnh báo về thẩm mỹ của phái đẹp trong giới nghệ sĩ, nhất là giới trẻ. Vì các kiểu trang phục phản cảm, thậm chí không còn giữ thuần phong mỹ tục VN sẽ không chỉ làm dung tục hóa sân khấu biểu diễn mà còn làm hỏng môi trường văn minh văn hóa Việt.
Và các nhà quản lý ngành văn hóa, biểu diễn nghệ thuật phải nhìn nhận vấn đề trang phục biểu diễn là một thành tố quan trọng trong các văn bản mang tính pháp quy, để sân khấu biểu diễn nghệ thuật thật sự là nơi chuyển tải chân- thiện- mỹ, góp vào đời sống văn hóa của công chúng VN.
Tuần VN
|